Làm gì để “đánh thức” tiềm năng du lịch đại ngàn

31/10/2019 15:17:56 GMT+7

Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk lưu giữ trong mình nhiều điều thú vị mà bất cứ du khách nào một lần đặt chân đến đây sẽ lưu luyến khi chia tay.  Nhiều chuyên gia có cùng nhận định, điều độc đáo chỉ riêng Đắk Lắk có là những con người, những nét văn hóa bản địa riêng biệt hay cả những danh lam, thắng cảnh không hòa lẫn vào đâu được. Tuy vậy, những giá trị này đến nay vẫn còn “ngủ quên”, chưa được nhìn nhận, phát huy đúng mức.

Buôn Ma Thuột là vùng đất chứa nhiều giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp ở Tây Nguyên. Ảnh: H.L
Tiềm năng… ngủ quên

“Ở Buôn Ma Thuột, tôi có thể dễ dàng xin phép người dân cho tham quan, cắm trại bất kỳ tại một vườn càphê nào. Trong khi đó, ở Lào và Thái Lan, tôi phải bỏ nhiều tiền cùng thời gian để đến cao nguyên Bolaven hay đến Chiang Mai, địa điểm trồng càphê nổi tiếng chỉ để thưởng thức càphê… Đáng buồn hơn nữa là tôi biết đến Buôn Ma Thuột qua lời giới thiệu của một người bạn nước ngoài đã từng đến Việt Nam. Tôi thắc mắc tại sao một thành phố nhiều thác, hồ xinh đẹp và là thủ phủ của càphê như Buôn Ma Thuột lại rất ít người nước ngoài biết đến” – ông Wang chia sẻ.

Trong hành trình du lịch 3 tháng xuyên Việt, Wang Young Ho – một nhà văn đến từ Hàn Quốc, đã dành 10 ngày để trải nghiệm cuộc sống, con người ở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Cũng như một số nước Đông Nam Á đã đến, Buôn Ma Thuột trong suy nghĩ của ông là một đô thị mới mẻ với không khí trong lành, chứa đựng nhiều nét văn hóa độc đáo ít nơi nào có được.

Chia sẻ của ông Wang là tâm trạng chung của nhiều người khi một lần được đến với Buôn Ma Thuột. Đó là buổi sáng bình yên đạp xe khám phá xứ voi Buôn Đôn và rồi khi hoàng hôn xuống, lại xuôi thuyền trên mặt hồ Lắk yên ả. Và kết thúc chuyến hành trình khám phá Buôn Ma Thuột, những âm thanh réo rắt của tiếng cồng chiêng ắt hẳn làm không ít người trong chúng ta lưu luyến…

Lấy du lịch làm động lực phát triển

Trong một lần trò chuyện, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên bày tỏ tiếc nuối bởi Đắk Lắk đẹp là thế nhưng cách làm du lịch nơi đây còn manh mún. Theo ông Biên, điều làm nên tên tuổi địa phương du lịch chính là điểm nhấn du lịch và nêu ví dụ: Đà Nẵng nổi tiếng với những cây cầu, Đà Lạt có những kiến trúc Pháp, Nha Trang với những bờ biển xanh biếc… Nhìn lại mình, Buôn Ma Thuột có lợi thế gì để làm du lịch?

“Vừa rồi Buôn Ma Thuột mới xây dựng được Bảo tàng càphê để thu hút du lịch. Tôi nghĩ đó là điểm nhấn, nhưng cần thêm vài công trình tiêu biểu hơn nữa. Lâu nay chúng ta vẫn thấy Buôn Ma Thuột vẫn khai thác du lịch trên những giá trị sẵn có chứ chưa có dấu ấn riêng” – ông Vương Duy Biên chia sẻ.

Ngành văn hóa, du lịch tỉnh Đắk Lắk đã nhận ra từ lâu những tồn tại như việc kêu gọi đầu tư phát triển du lịch còn khó khăn; Dự án phát triển du lịch cộng đồng tại 3 buôn dân tộc thiểu số triển khai còn chậm; Thủ tục đầu tư và chính sách đất đai, thuế đối với việc kêu gọi đầu tư chưa hấp dẫn, trong đó vướng mắc lớn nhất hiện nay là vấn đề sử dụng đất rừng trong phát triển du lịch sinh thái…

Theo đánh giá, mặc dù đã nhận diện được những khó khăn, nhưng để thay đổi bộ mặt ngành du lịch của Đắk Lắk không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai.

Ông Bùi Văn Cường – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk hiểu được thuận lợi và thách thức của hoạt động du lịch trong sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Đắk Lắk hiện ngoài khách sạn nhà nghỉ thì địa phương vẫn chưa có sân golf, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí xứng tầm. Trong lĩnh vực làm du lịch, khó khăn nữa là những người tài thường không lựa chọn Đắk Lắk làm nơi phát triển. Các trường đại học của địa phương chưa quan tâm, đào tạo sinh viên chuyên ngành du lịch…

“Bởi thế nên chúng ta phải đầu tư, hỗ trợ cho người dân, tổ chức các tour, tuyến và quảng bá hình ảnh đất và người Buôn Ma Thuột hiền hòa. Phải tạo các sản phẩm du lịch đặc trưng như home stay, tour du lịch khám phá văn hóa… Chúng ta lâu nay cứ nói về tiềm năng du lịch mà chưa bàn đến việc biến trở ngại thành hành động. Trong bối cảnh khó khăn, chúng ta phải huy động tất cả các lực lượng trong xã hội, nâng cao trình độ nguồn nhân lực, tuyên truyền, nâng cao nhận thức để thu hút người dân tham gia vào hoạt động du lịch. Có làm đồng bộ các giải pháp trên thì ngành du lịch tỉnh Đắk Lắk mới phát triển” – Bí thư Bùi Văn Cường trăn trở.

HỮU LONG

Nguồn : Lao Động

ĐẶT PHÒNG

KHÁCH SẠN BẠCH MÃ

NGÀY ĐẾN
NGÀY ĐI
LOẠI PHÒNG
SỐ LƯỢNG

Hỗ trợ

Lễ Tân

Dịch vụ

Thư viện ảnh