Truyền thuyết về kho báu khổng lồ của vị vua Voi

28/02/2020 16:50:25 GMT+7

Trong những câu chuyện truyền miệng từ bao đời nay của người dân bản Đôn (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), người ta vẫn thường kể cho nhau nghe về người khai sáng ra bản Đôn và sự tồn tại về kho báu khổng lồ của vị vua voi Y Thu K’nul (ông tổ của nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng). 

 

Chuyện 200 năm về trước…

Mảnh đất Tây Nguyên gần vào Xuân nhưng chỉ toàn nắng và gió, trên khắp các nẻo đường, ánh nắng như muốn thiêu đốt tất cả. Đường vào bản Đôn dù xa xôi, cách trở nhưng những câu chuyện kỳ bí về vị vua voi danh tiếng một thời đã để lại cho khách những tò mò và sự ngưỡng mộ. Có những bí ẩn đã được khám phá, cũng có những thứ mãi mãi chỉ là huyền thoại.

Trong rất nhiều câu chuyện mang đậm màu sắc sử thi vùng Tây Nguyên đang dần bị mai một, đáng chú ý nhất là câu chuyện về vua săn voi nổi tiếng ở Bản Đôn. Ngược dòng quá khứ trở lại 200 năm về trước, có một đám cưới nhiều điều tiếng diễn ra tại một buôn làng giáp ranh vùng biên giới Việt Nam – Campuchia.

Cô dâu trong đám cưới đó là người M’nông còn chú rể là người Lào. Đáng nói là sau cuộc hôn nhân được vài tháng thì cô dâu đã lâm bồn, đứa bé trai mới chào đời cất tiếng khóc vang động cả đại ngàn được đặt tên là Y Thu K’Nul. Ít ai ngờ, đứa bé ấy có lai lịch “bất minh” này, sau đó đã làm nên huyền thoại cả một vùng Tây Nguyên rộng lớn.

Trong số các câu chuyện được lưu truyền lại cho đến ngày nay, người ta vẫn tò mò về kho báu khổng lồ mà ông đã gây dựng nên. Cuộc đời của ông từ khi sinh ra đến khi mất đi đều gắn với những câu chuyện phi thường, những câu chuyện ấy cho đến nay chỉ còn vài người nắm giữ. Bí mật cuộc đời của ông được truyền lại cho các thế hệ con cháu về sau. Y Thu mang họ K’nul là theo tiếng của người Lào, còn tiếng M’nông gọi là Rơ Nôl.

 

Là con cả trong gia đình có 5 anh em nhưng Y Thu lại không có con nối dõi. Xuất thân của Y Thu từ lúc sinh thời cho đến lúc mất đi chưa ai dám khẳng định chắc chắn. Theo lời kể của ông Ama Ghi (SN 1940, cháu đời thứ tư của Y Thu), chúng tôi ngược thời gian trở về gần 200 năm trước. Tại nơi núi cao, rừng thẳm lúc bấy giờ, các dân tộc thiểu số vùng đất đỏ này vẫn sống trong chế độ chiếm hữu nô lệ. Mẹ của Y Thu là người M’nông Bu Dương.

Khi còn là thiếu nữ, bà đẹp như một đóa hoa rừng và được nhiều chàng trai đem lòng yêu mến. Có nhiều giai thoại về cuộc đời người phụ nữ đẹp này nhưng chẳng ai nắm rõ thực hư. Nhưng người ta hay kể nhất là khi còn trẻ, bà đã trải qua một mối tình với tràng trai dũng cảm nhất vùng. Chàng trai đó cũng là người M’nông, tuy nhiên anh ta đã hy sinh trong một trận chiến với bộ tộc khác mà số lượng quân thù áp đảo.

Trước khi chết, chàng dũng sĩ đã để lại giọt máu của mình nơi thiếu phụ M’nông xinh đẹp. Sau cái chết của người yêu, một chàng trai xuất thân từ gia đình giàu có ở Lào qua đây buôn bán đã đem lòng yêu mến thiếu phụ xinh đẹp. Người con trai đó bất chấp điều tiếng đã hỏi cưới nàng làm vợ. Cảm phục tấm lòng của chàng trai, nên cô đã đồng ý làm vợ. Hai người nên vợ nên chồng chồng với nhau. Vì người M’nông theo chế độ mẫu hệ, nên cả hai người ở lại quê vợ để cùng nhau tạo dựng cơ nghiệp.

Năm 1829, Y Thu ra đời, đứa bé có tiếng khóc vang động núi rừng khiến người người phải chú ý. Cậu lớn nhanh như cây rừng gặp đất tốt, nhanh nhẹn và dũng mãnh như con thú hoang, đặc biệt là nhân cách của cậu khiến người người quý mến, nể phục.

Gia đình Y Thu lúc ấy cũng có tiếng tăm ở trong làng, nhưng cách sống nhân hậu của họ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những gia tộc bề thế khác trong vùng. Khi Y Thu lớn lên cũng là lúc sự ganh ghét của họ lên đến đỉnh điểm. Kẻ cầm đầu một gia tộc độc ác khét tiếng là Srem Lem đã bất ngờ đem quân đánh gia đình Y Thu.

Cuộc tập kích bất ngời khiến gia đình Y Thu bị tổn thất nặng nề, 12 người bị chết, mẹ của Y Thu thì bị bắt nhốt vào hang đá và canh phòng cẩn mật. Riêng Y Thu nhờ một người bạn trung thành mở đường máu nên kịp thoát thân và dẫn theo vài người tâm phúc. Sau nhiều lần cố gắng giải cứu mẹ không thành công, người bạn đã khuyên Y Thu đi đến nơi người nữ tù trưởng người Ê Đê là Yă Wăm (tù trưởng nổi tiếng về sự giàu có và quyền lực, cả đời không lấy chồng – PV) để mượn quân.

Dũng sĩ cứu mẹ, lập làng

Để cứu được mẹ, Y Thu lặn lội lên vùng cao nguyên có tên đặt theo tên nữ tù trưởng này đó là buôn Yă Wăm. Vượt qua một chặng đường dài, đối mặt với bao thú dữ cuối cùng chàng thanh niên dũng cảm cũng đến được nơi. Y Thu kể lại chuyện mình cần người để cứu mẹ đang bị bắt làm con tin, nữ tù trưởng Yă Wăm nghe hết câu chuyện và nhìn vào đôi mắt đầy ý chí của Y Thu, bà đã nhận lời cho anh mượn quân.

Những thanh niên trai tráng, khỏe mạnh nhất buôn được triệu tập đến trước nhà Yă Wăm. Đến nơi, Yă Wăm ra lệnh cho họ ngửa mặt lên trời, ai chớp mắt sẽ bị loại, vì theo họ nếu chớp mắt sẽ không tránh được gươm đao của kẻ thù. Cuối cùng Y Thu đã mượn được một đạo quân tinh nhuệ để trở về cứu mẹ.

Dưới sự chỉ đạo của Y Thu và sự giúp sức của người bạn thân, cuộc giải cứu diễn ra bất ngờ và trót lọt, tuy nhiên kẻ thù phát hiện và dùng một lực lượng lớn để truy đuổi quân của Y Thu ngay sau đó. Y Thu đưa quân và gia đình từ vùng biên chạy sâu vào Tây Nguyên. Sau nhiều ngày, họ đến một vùng đất cây cối um tùm nhô lên như ốc đảo, giữa con suối lớn có nhiều nhánh bao quanh, nhiều ghềnh đá.

Gia đình, dòng họ Y Thu đưa nhau qua suối để trốn tránh kẻ thù, quân của Yă Wăm trở về buôn của họ đồng thời làm nhiệm vụ đánh lạc hướng kẻ địch. Ở trên đảo, thấy địa thế thuận lợi, họ dựng nhà ở, sau đó đặt tên là Bon Akao (theo tiếng M’nông), còn tiếng Lào gọi là Ban Đôn, mãi sau này gọi là Buôn Đôn theo tiếng phổ thông. Khúc sông được đặt tên là thác Bảy Nhánh (nay thuộc buôn N’Drech, xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn).

Sau thời gian dài tìm kiếm, kẻ thù cũng phát hiện ra chỗ ở của Y Thu và người thân, chúng dùng tiền bạc và thế lực liên kết với người Ê Đê để quyết tiêu diệt gia đình Y Thu một lần nữa. Biết được âm mưu của kẻ thù, Y Thu cho dựng 3 chiếc cầu treo nối đảo với đất liền và chờ đợi quân địch tập kích. Khi tất cả quân địch đã di chuyển lên cầu, Y Thu phát lệnh chặt dây.

Nhờ mưu ấy mà một số lượng lớn quân địch bị dòng nước cuốn trôi. Y Thu thắng trận, ông kéo người đến đánh lại kẻ thù bắt được vô số con tin. Tuy nhiên sau đó ông đã ngỏ ý làm hòa và trả lại con tin cho kẻ thù khiến họ vô cùng nể phục và không gây hấn từ đó về sau. Có được sự hòa bình, Y Thu tập trung lo phát triển kinh tế, lập làng trên hòn đảo nhỏ. Sinh sống ở đảo 7, 8 năm, do đất chật, xung quanh là sông dữ nên giao lưu với bên ngoài rất khó khăn.

Vậy nên trong một lần bị cháy làng, Y Thu đã quyết định đưa cả dòng họ ngược lên thượng nguồn con sông Krông Na (nay là sông Srêpốk). Y Thu cùng dòng họ quyết định lập buôn, định cư lâu dài ở đây. Do có một cái đầu biết tính toán, Y Thu đã sáng tạo ra cách bắt voi rừng về thuần dưỡng và buôn bán, thế nên dòng họ Y Thu nhanh chóng giàu có. Số người trong họ và những người nghe tiếng Y Thu kéo đến sinh sống ngày một tăng, đất rừng khai phá lại bị hạn chế bởi những tộc người xung quanh khiến ông rất trăn trở vì điều đó.

Vận may đến khi trong một lần Y Thu đưa voi đi săn, người của nữ tù trưởng người Ê Đê Yă Wăm đã vô tình bắn chết voi mồi của Y Thu. Y Thu yêu cầu bà ta đền lại voi cho mình. Người phụ nữ quyền lực này cho người đi bắt voi trả Y Thu, nhưng người Ê Đê nào có săn voi bao giờ, vậy nên người bà ta cử đi đều ra về tay không, có người còn bị thương hoặc bỏ mạng do voi dẫm. Không có cách nào đền lại voi, vị nữ tù trưởng đối mặt với việc sẽ thất tín, điều đó khiến bà giảm sự uy nghi có thể mất lòng tin của người dân.

Lúc này Y Thu nói “voi cũng đã chết, nếu Yă Wăm không có voi trả thì cho tôi một phần đất để làm ăn sinh sống. Sau này sẽ đối xử với nhau như anh em…”. Yă Wăm đồng ý và cắt cho Y Thu một vùng đất rộng lớn từ Suối Cạn (nay thuộc xã Tân Hòa) sang Ea Súp đến tận biên giới giáp ranh Campuchia.

(Còn tiếp) 

Nguồn : Pháp Luật Việt Nam

 

ĐẶT PHÒNG

KHÁCH SẠN BẠCH MÃ

NGÀY ĐẾN
NGÀY ĐI
LOẠI PHÒNG
SỐ LƯỢNG

Hỗ trợ

Lễ Tân

Dịch vụ

Thư viện ảnh