“Hoa nở” trên cánh đồng núi lửa

04/02/2021 15:56:13 GMT+7

Cánh đồng dung nham núi lửa thuộc địa phận xã Buôn Choáh và xã Đắk D’rô (Krông Nô) có diện tích chừng 100 km2.

Với sức người, từ một vùng đất hoang hóa, những năm gần đây đã trở thành cánh đồng ngô xanh mướt và vàng rực khi tới kỳ thu hoạch.

Tràn đầy sức sống

Ngày nay, đồng bào M’nông ở Krông Nô vẫn còn truyền cho nhau về truyền thuyết núi lửa Nâm Blang, được xem là ngọn núi thiêng nơi thần linh trú ngụ. Thần linh che chở cho người M’nông chống lại các thế lực độc ác, đen tối. Nơi này có một loại cây tên Blang (cây gòn). Nhờ các hang động và cây thần linh che chở mà bà con M’nông đã chống chọi được với tất cả các thế lực độc ác…

Vì vậy, người M’nông rất quý loại cây thần này, không ai chặt, thậm chí cứ vài ba năm lại tổ chức lễ hội Tâm B’lang Brang Bon để tỏ lòng tôn kính. Vào mùa hoa nở, cả vùng đất như tràn đầy sức sống, báo hiệu những điều tốt đẹp đến với bà con, bon làng.

Với niềm tin ấy, qua bao năm tháng, vùng đất quanh núi lửa Nâm Blang được bà con gìn giữ, cây rừng xanh tốt. Tuy nhiên, chỉ đến khi bà con biết được vùng đất này còn có thể trồng ngô được thì núi lửa Nâm Blang góp phần đem lại cuộc sống ấm no cho dân làng.

Núi lửa Nâm Blang-Trái tim của cánh đồng dung nham núi lửa

Theo người dân địa phương, vào những năm 2000, đời sống khó khăn, có nhiều bà con các dân tộc phía Bắc di cư vào đây. Với kinh nghiệm trồng ngô trên vùng núi đá, một số hộ đồng bào Tày, Nùng, Mông đã tận dụng các hốc đất giữa các tảng đá để trồng ngô. Không ngờ những hốc đất đầy dung nham của núi lửa lại vô cùng thích hợp với ngô. Thế là nhiều người làm theo, đến nay, có tới hàng trăm héc ta ngô được trồng mỗi năm.

Hằng năm, vào đầu mùa mưa, khoảng tháng 4-5 âm lịch là người dân nơi đây lại tập trung về cánh đồng núi lửa để gieo trồng ngô. Mỗi người mỗi khoảnh, nhiều ít khác nhau nhưng chỉ độ nửa tháng là cả cánh đồng dung nham một màu xanh mướt, đầy sức sống.

Khác với những vùng đất không đá, ngô ở đây được bà con trồng vào những hốc đất, có những hốc tới hàng chục bụi ngô. Có lẽ đất chứa nhiều khoáng chất từ dung nham nên từ khi gieo trồng đến lúc thu hoạch, người dân chỉ làm cỏ là chính, nước thì đã có ông trời mưa xuống.

Theo ông Y Hoi, ở buôn O, xã Đắk D'rô, mặc dù nhìn đầy sỏi đá song năng suất ngô ở đây không thua kém gì trồng ở đất rẫy thuần. Không những vậy, có người còn trồng nhiều loại rau để ăn. Bản thân gia đình ông Y Hoi cũng có khoảng gần 1 ha ngô. Ngô thu hoạch được, đủ cho ông chăn nuôi heo, gà cả năm trời.

Đồng bào thu hoạch ngô trên cánh đồng dung nham núi lửa

Hứa hẹn phát triển du lịch canh nông

Điều ngạc nhiên nữa là vùng đất này còn thích hợp với một số loại cây lâu năm, nhất là cây điều. Đoạn gần xã Buôn Choáh, vài năm nay nhiều vùng đất đá được bà con trồng điều với diện tích hàng chục héc ta. Riêng tại thôn Ea Snô, xã Đắk D’rô, chúng tôi còn thấy một vùng đất trũng được bà con trồng lúa nước.

Bà Lương Thị Hoa, thôn Ea Snô chia sẻ: “Mấy năm trước thấy một khoảng trống, trũng vào mùa mưa chứa nhiều nước, gia đình tôi đã dọn dẹp đá để trồng lúa. Sau nhiều năm cần cù khai phá, gia đình tôi đã có khoảng vài sào trồng lúa, đủ lương thực ăn quanh năm”.

Từ cánh đồng dung nham núi lửa đến các cửa hang của hệ thống hang động núi lửa chỉ vài km. Hiện nay, cánh đồng núi lửa đã được chọn là 1 trong 44 điểm đến của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Nơi đây đã được quy hoạch thành vùng đệm của hang động núi lửa để phục vụ cho du lịch sau này. Riêng với ngành du lịch đã xác định nơi đây có nhiều tiềm năng về du lịch canh nông, phục vụ du khách trải nghiệm các khâu từ gieo trồng đến thu hoạch ngô.

Bài, ảnh: Hoàng Thanh

Bài viết gốc: http://www.baodaknong.org.vn/xa-hoi/hoa-no-tren-canh-dong-nui-lua-84633.html

 

Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

ĐẶT PHÒNG

KHÁCH SẠN BẠCH MÃ

NGÀY ĐẾN
NGÀY ĐI
LOẠI PHÒNG
SỐ LƯỢNG

Hỗ trợ

Lễ Tân

Dịch vụ

Thư viện ảnh