Ðộc đáo nhạc cụ dân gian Tây Nguyên từ tre nứa

26/05/2021 17:05:33 GMT+7

Bằng tình yêu với chất liệu tre nứa và niềm đam mê âm nhạc, từ những nguyên liệu sẵn có của núi rừng, nghệ sĩ Nguyễn Trường (nguyên giảng viên âm nhạc Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk) đã sáng tạo nên những nhạc cụ hết sức độc đáo, mới lạ.

Từ cây đàn violon đặc biệt

Gắn bó với công tác giảng dạy, quản lý đào tạo hơn 35 năm, sau khi về hưu, nghệ sĩ Nguyễn Trường dành phần lớn thời gian cho đam mê nghiên cứu, sưu tầm, chế tác nhạc cụ dân gian từ tre nứa. Căn nhà nhỏ của ông đầy ắp các bộ nhạc cụ truyền thống của người Tây Nguyên, được trưng bày và bảo quản ngăn nắp, sạch sẽ. Đối với ông, đó chính là tâm huyết sau nhiều năm trót “vướng duyên” với nhạc cụ dân gian Tây Nguyên, mà cái duyên từ chiếc mõ bò có lẽ là khởi nguồn của nhiều câu chuyện và sự sáng tạo trong âm nhạc.

Nghệ sĩ Nguyễn Trường biểu diễn đàn viokram.

Ông kể, trong những lần lang thang về buôn làng, ông phát hiện tiếng khua lốc cốc của chiếc mõ tre treo ở cổ đàn bò vang vọng khắp núi đồi chính là nguồn âm thanh hết sức thú vị. Ông liền sưu tầm cho kì được những chiếc mõ ấy về để nghiên cứu nguyên lý cấu tạo và cách phát ra âm thanh. Càng tìm hiểu, ông càng cảm thấy bất ngờ và cảm phục tài năng của những người tạo ra chúng. Và rồi, từ nguồn cảm hứng là chiếc mõ bò tự thân vang với âm mộc ngân xa ấy, ông đã bật ra nhiều ý tưởng độc đáo, táo bạo. Trong đó phải kể đến việc chế tác thành công chiếc đàn violon tre độc nhất vô nhị, vừa được ông trình làng vào đầu năm 2020.

Cây đàn được chế tác theo nguyên lý violon, nhưng thay vì làm bằng chất liệu gỗ sồi khó kiếm ở Việt Nam với giá thành khá cao thì nghệ sĩ Nguyễn Trường đã sử dụng tre nứa, loại nguyên liệu dễ kiếm và chi phí rẻ. Ông gọi đó là đàn violon tre hay còn gọi là viokram (chữ kram trong tiếng Êđê là tre). “Trong quá trình sử dụng đàn violon, loại nhạc cụ tôi đã theo học suốt 5 năm ở Trường Quốc gia Âm nhạc tại Huế (nay là Học viện Âm nhạc Huế), bản thân luôn đau đáu khi cây đàn này quá đắt tiền, xa xỉ với người dân nghèo hay học sinh có điều kiện khó khăn. Bởi thế, dù quá trình chế tác viokram mất hơn một năm, nhưng trên thực tế từ ý tưởng “thai nghén” đến lúc hình thành nó lại là cả một quãng thời gian dài, được tích tụ từ mấy chục năm trước”, ông nói. 

Sau suốt nhiều tháng trời mày mò, đục đẽo tại xưởng tre nứa của gia đình, những chiếc viokram lần lượt ra đời với âm thanh đậm chất mộc thoát ra từ ống tre, ngân vang âm điệu rất đặc trưng của cao nguyên đại ngàn. Để tăng thêm hiệu ứng âm thanh, dễ dàng sử dụng nơi công cộng, ông còn áp dụng công nghệ để cải tiến nhạc cụ cho phù hợp, lắp thêm bộ EQ trong cây đàn.

Đến đàn mõ tre độc đáo

Là một người có chuyên môn và am hiểu về âm nhạc, nghệ sĩ Nguyễn Trường luôn mày mò, tìm hiểu để cho ra nhạc cụ theo cá tính của mình. Bởi thế, từ chiếc mõ bò trong dân gian, ông không dừng lại ở việc tạo nên viokram mà còn chế tác thêm một loại nhạc cụ độc đáo, đậm chất Tây Nguyên khác nữa với tên gọi: đàn mõ tre.

Theo lời ông, đàn mõ tre được cấu tạo từ: mõ trâu, mõ bò và mõ dê.

Nắm được nguyên lý cấu tạo và phát ra âm thanh của những chiếc mõ này, ông chế tạo ra đàn mõ tre với cao độ mà mình mong muốn thông qua việc thay đổi kích thước, chiều dài, đường kính, độ dày của ống tre. Trải qua không ít gian nan, ông đã phải đục, phải phá không biết bao nhiêu ống tre, lắp ráp rồi tỉ mỉ chỉnh từng tí để cột hơi của ống tre và hai thanh lá đồng âm. Kết quả, ông đã tạo ra chuỗi đàn mõ giàu nhạc tính, mô phỏng lại các cao độ trong bộ ching knăh của người Êđê. Âm thanh của đàn mõ tre vang, to, rõ chất mộc không lẫn vào bất kỳ một nhạc cụ tre nứa nào trong các dàn nhạc truyền thống Tây Nguyên.

Nghệ sĩ Nguyễn Trường giới thiệu về chiếc mõ bò trên đàn mõ tre.

Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian, bậc thầy chế tác nhạc cụ truyền thống Y Bhiông Niê hay còn gọi là Ama H’Loan (TP. Buôn Ma Thuột) đánh giá cao tính sáng tạo của nghệ sĩ Nguyễn Trường trong việc biến chiếc mõ bò, mõ trâu… thành đàn mõ tre, nhất là ở cách cải tiến, thêm nét đẹp cho chiếc đàn mõ mà vẫn giữ nguyên được các phẩm chất độc đáo của chiếc mõ nguyên thủy. Nghệ nhân cũng bày tỏ sự thán phục tài năng của ông khi chế tác thành công viokram. “Thời điểm hiện tại, ở Tây Nguyên nói riêng và cả nước Việt Nam nói chung chưa có ai có thể sáng tạo nên cây đàn độc đáo, dễ hòa âm từ chất liệu tre nứa, loại nguyên liệu gần gũi, gắn bó với văn hóa truyền thống dân tộc như đàn viokram của nghệ sĩ Nguyễn Trường”, Nghệ nhân Ama H’Loan bày tỏ.

Như vậy, chỉ trong khoảng hai năm, nghệ sĩ Nguyễn Trường đã thổi hơi thở mới vào dàn nhạc cụ dân gian Tây Nguyên bằng hai loại nhạc cụ độc đáo đó là đàn mõ tre và viokram. Từ khi ra mắt, những nhạc cụ này đã được công chúng ưa thích, đón nhận nhiệt tình.

Đầu năm 2021, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã cấp bằng xác lập kỷ lục cho ông Nguyễn Trường, là “Người đầu tiên chế tác nên cây đàn violon tre – nhạc cụ độc đáo được lấy cảm hứng từ đàn violon của phương Tây kết hợp với nguyên liệu tre truyền thống của Việt Nam”.

Huyền Diệu

Bài viết gốc: http://baodaklak.vn/channel/9803/202105/oc-dao-nhac-cu-dan-gian-tay-nguyen-tu-tre-nua-5737211/

Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

ĐẶT PHÒNG

KHÁCH SẠN BẠCH MÃ

NGÀY ĐẾN
NGÀY ĐI
LOẠI PHÒNG
SỐ LƯỢNG

Hỗ trợ

Lễ Tân

Dịch vụ

Thư viện ảnh