Nhiều loại cây thuốc dân gian, ông cha xưa dùng tốt thì mình giữ thôi!

30/09/2019 08:27:30 GMT+7

Trong quá trình sinh sống, từ ngàn đời nay, đồng bào các dân tộc M’nông, Mạ, Ê đê trên địa bàn tỉnh đã hình thành cách thức chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe theo cách truyền thống riêng biệt

Đến nay, những kinh nghiệm cách chữa trị dân gian ấy vẫn còn được đồng bào ở các bon làng gìn giữ.

Theo những người già ở các bon làng, thời còn cơ cực, mạng lưới y tế chưa phát triển như bây giờ, việc chữa trị bệnh tật, chăm sóc sức khỏe của người dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm dân gian. Người dân thường sử dụng những cây thuốc, vị thuốc có ở trong rừng, trong vườn nhà, kết hợp với cách ăn uống để chữa trị bệnh.

Cây cứt quạ được đồng bào dùng giải độc, giúp tiêu hóa thức ăn, đem lại cảm giác ngon miệng khi bị mệt, cảm sốt và bổ máu

Tùy vào từng loại bệnh, bà con có thể tìm hái những cây, lá thuốc khác nhau hoặc kết hợp nhiều loại cây để chữa bệnh. Liều lượng sử dụng thường mang tính ước lượng, nhất là các loại lá, cành lá được đồng bào tính theo ngọn hoặc nắm. Hầu hết các loại dược liệu đều có trong tự nhiên và được sử dụng chia thành hai dạng: bồi bổ cơ thể và thuốc chữa bệnh. Thuốc bổ được sử dụng bằng cách chế biến thức ăn hàng ngày như nấu canh, ăn sống, luộc…Thuốc chữa bệnh thường kết hợp nhiều loại khác nhau…

Các bài thuốc chữa bệnh của đồng bào rất đơn giản, chỉ là các loại lá cây, rễ hoặc củ băm nhỏ, phơi khô như cây cứt quạ, cây chùm bao, cây mè, cây chó đẻ, cây điểu ủi... Có loại có thể dùng ngay khi còn tươi, bởi khi đó các hoạt chất của thuốc mới phát huy tác dụng như cây sài bỏng hoặc lược vàng. Với các sản phụ thì có nhiều phương thuốc hay từ các loại cỏ cây mà khi sử dụng sẽ có tác dụng. Hiệu quả nhất, có lẽ là chữa chứng động thai hoặc sảy thai, hay là chữa sài đẹn cho trẻ nhỏ.

Cụ thể, để phục hồi sức khỏe sau sinh cho phụ nữ, người Ê đê dùng rễ cây táo rừng nấu nước cho đến khi sôi và để nguội thì uống 2-3 ngày là cơ thể bình phục. Để trị bệnh ban sởi cho trẻ em, đồng bào lấy vỏ cây chuối rừng cắt ra thành từng miếng nhỏ rồi ngâm vào nước và lấy nước này tắm cho trẻ trong 3-4 ngày liên tiếp bệnh sẽ bớt.

Khổ qua rừng-vị thuốc quý của đồng bào

Người Mạ trị bệnh tiêu chảy sẽ dùng lá ổi hoặc lá sim rừng non nhai sống cùng một ít muối hột; hoặc hái lá dâu tằm cùng vỏ, lá của cây K’rai nấu nước uống. Loại nước thuốc này rất đắng nhưng hiệu quả chữa bệnh rất tốt. Khi trong nhà có người bị trật gân, gãy xương, bà con thường lấy lá cây sống đời giã nhuyễn đắp vào khoảng 2-3 ngày là khỏi ngay.

Ngày nay, mạng lưới y tế đã phát triển rộng khắp và việc chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của bà con cũng đã tiên tiến hơn. Nhưng với các bệnh thường gặp và nhẹ, bà con vẫn dùng cách chữa trị dân gian vốn có của dân tộc mình. Ông K’Siêng ở bon Kala Dơng, xã Quảng Khê (Đắk Glong) cho biết: “Xưa cực khổ thì chữa bệnh cây cỏ xung quanh mình, chứ nay có bệnh thì đều đến bệnh viện chữa trị, mua thuốc. Tuy nhiên, nhiều loại cây thuốc dân gian, ông cha xưa dùng tốt thì mình giữ thôi. Điển hình, phụ nữ trong bon mới sinh con thì vẫn dùng các loại lá cây dân gian để vừa lợi sữa vừa tốt cho con".

Bài, ảnh: Mỹ Hằng

 

Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

ĐẶT PHÒNG

KHÁCH SẠN BẠCH MÃ

NGÀY ĐẾN
NGÀY ĐI
LOẠI PHÒNG
SỐ LƯỢNG

Hỗ trợ

Lễ Tân

Dịch vụ

Thư viện ảnh