Vẻ đẹp của "bốn cây Knia"

19/12/2014 07:23:31 GMT+7

Cuốn sách in đẹp, bìa láng có hình cây Knia xanh tươi, vững chãi vượt trên nền núi rừng, buôn làng mờ sương. Hình ảnh cây Knia vững chãi ấy thường làm tôi liên tưởng đến những người đàn ông to khỏe, vững vàng, sẵn sàng chở che. Trái với liên tưởng ấy, cuốn sách là tập hợp những tác phẩm của 4 nữ văn nghệ sĩ tên tuổi trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật Tây Nguyên. Nghe câu hỏi “Sao lại là cây Knia?”, nhà văn Niê Thanh Mai cười nhẹ: “Vì đó là hình ảnh gợi đến sự mạnh mẽ, độc lập, xanh tươi và có sức lan tỏa – như quá trình vươn lên trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của các nữ tác giả được giới thiệu. Đó cũng là mong muốn của chúng tôi – những văn nghệ sĩ Tây Nguyên – rằng văn hóa nghệ thuật Tây Nguyên sẽ lan tỏa mạnh mẽ hơn, được nhiều người biết đến hơn, để trân trọng và gìn giữ”. Và tôi – một người đọc – thật sự tâm huyết với lời giới thiệu đầu cuốn sách, rằng cây Knia là một biểu tượng tâm linh của người Êđê mà như họa sĩ Xu Man đã nói “Nơi ấy như có các thần linh trú ngụ và chở che”, và bốn nữ văn nghệ sĩ H’Linh Niê, Trần Hồng Lâm, Niê Thanh Mai, Siu H’Kết đặt tên chung cho tập sáng tác tuyển chọn của mình là “Bốn cây Knia” như tìm đến với tâm linh của sáng tạo nghệ thuật và qua các sáng tác của mình, họ mang vẻ đẹp mộc mạc, xanh tươi của loài cây Knia đến với người đọc.

Cuốn sách là tuyển chọn những tác phẩm của các nữ văn nghệ sĩ theo từng lĩnh vực mà họ theo đuổi: văn xuôi (H’Linh Niê, Niê Thanh Mai), hội họa (Trần Hồng Lâm) và nhiếp ảnh (Siu H’Kết). Dù cách thể hiện khác nhau nhưng các tác phẩm đều toát lên hơi thở cuộc sống của đất và người Tây Nguyên, đậm nét văn hóa Tây Nguyên. H’Linh Niê (Linh Nga Niê Kdam) là nhà văn, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian tên tuổi ở Tây Nguyên. Thuộc thế hệ văn nghệ sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, năm nay H’Linh Niê đã ở tuổi gần thất thập song sức viết, sức làm việc của bà vẫn thật đáng nể. Tập hợp 6 truyện ngắn trong quyển sách này đều có nhân vật, bối cảnh là người dân tộc thiểu số ở miền núi, Tây Nguyên và Tây Bắc, từ dân tộc Xêđăng, Mnông, Jẻ Triêng, Thái, Êđê. Có những câu chuyện viết về những mối tình đẹp giữa bộ đội và các sơn nữ Tây Nguyên trong chiến tranh, để rồi sự ác liệt của cuộc chiến đã gây nên những nỗi đau, những vết thương mà hàng chục năm hậu chiến vẫn nhức nhối, chẳng thể chữa lành (Tháng Tư mùa bướm bay, Gió trên đỉnh Ngok Linh); lại có những câu chuyện đọc xong thấy day dứt, thậm chí là thảng thốt, bởi sự mất dần giá trị văn hóa truyền thống trước những thay đổi của cuộc sống (Dài lắm, giấc mơ của làng, Mùa này hoa bằng lăng không nở, Xôn xao ngày nắng) và có câu chuyện báo động về sự sa ngã của những người dân tộc thiểu số chân chất, ngây thơ bởi không chống lại được những cám dỗ, không vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống (Hoa Bó khiu). Ở truyện ngắn nào, người đọc cũng thu nhặt được những kiến thức về văn hóa các dân tộc, không chỉ thông qua những nét đẹp của các tập tục, nghi lễ, lối sống được nữ nhà văn mô tả mà còn bởi ngôn ngữ miêu tả đậm chất Tây Nguyên với hệ thống khẩu ngữ địa phương được sử dụng nhiều. Những nỗi day dứt, đau đầu với văn hóa Tây Nguyên của tác giả cứ tự nhiên như thế truyền tới cho người đọc.

Là nữ nhà văn trẻ thuộc thế hệ 8x, Niê Thanh Mai không có nhiều tác phẩm về đề tài chiến tranh hay nỗi đau hậu chiến. Cách viết văn của cô gái Êđê thế hệ 8x này gây ấn tượng đặc biệt bởi những màu sắc ngôn ngữ hiện đại với bối cảnh truyện hiện đại trên nền Tây Nguyên truyền thống, bởi cách thể hiện phong phú, mới mẻ đời sống của người dân Êđê quê mình... Những truyện ngắn được tuyển chọn trong “Bốn cây Knia” của Niê Thanh Mai tiếp tục thể hiện những trăn trở, suy nghĩ của những người trẻ về tình yêu (Hơi thở của núi), gia đình (Sớm mai thoang thoảng), về sự bối rối, hoang mang trước những mặt trái của cuộc sống (Ngủ quen nơi không có gió), và cả sự lúng túng, mệt mỏi, thất vọng trong hành trình đi tìm đam mê, hạnh phúc của mình (Không thấy vách ngăn, Góc núi mờ sương, Cây thằn lằn lá xanh). Trong truyện ngắn của Thanh Mai, dù nhiều yếu tố hiện đại song vẫn có những câu chuyện đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc (Hơi thở của núi) và cuộc sống của những nam nữ thanh niên người dân tộc thiểu số ở các buôn làng trước những đổi thay, biến động của cuộc sống (Góc núi mờ sương). Nhiều người bảo văn của Thanh Mai hiện đại, song chị vẫn quan niệm: “Tôi muốn qua những tác phẩm của mình, bạn đọc sẽ thấy một Tây Nguyên đang vươn lên mạnh mẽ. Sự hội nhập mà không đánh mất bản sắc chính là điều để viết nên tác phẩm”. Và bạn đọc có thể cảm nhận rõ rệt quan niệm viết ấy trong các tác phẩm của nữ nhà văn này.

Nữ họa sĩ người dân tộc Khmer Trần Hồng Lâm có 7 tác phẩm được tuyển chọn trong cuốn sách này. Dù chất liệu là khắc gỗ, sơn dầu hay acrylic, tranh của chị cũng đều phản ánh đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Xem tranh của nữ họa sĩ này, ấn tượng là sự mộc mạc, giản dị nhưng đầy trầm tư, suy tưởng như hình ảnh bếp lửa gợi nên hơi ấm,

người đàn ông trầm tư bên bức tượng nhà mồ (Vọng), những hình ảnh đầy triết lý (Mẫu hệ, Quê nội, Vũ điệu Tiên nữ (Apsara). Ngay cả màu sắc trong tranh của Trần Hồng Lâm cũng nhiều gam màu trầm. Người xem có thể cảm nhận rõ nét sự sâu sắc, chiêm nghiệm và thiết tha với văn hóa truyền thống của cây cọ nữ hiếm hoi trong làng hội họa Tây Nguyên này.

Siu H’Kết cũng là nữ nghệ sĩ hiếm hoi của làng nhiếp ảnh Dak Lak ít nhiều đã ghi dấu bằng nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Ảnh của Siu H’Kết “bắt” lại những hình ảnh đẹp của con người, cuộc sống Tây Nguyên. Người xem có thể cảm nhận rõ rệt nét đẹp nên thơ trong cuộc sống sinh hoạt, lao động của người Tây Nguyên qua các tác phẩm Sương sớm, Hạnh phúc, Lên nương; cũng không thiếu sự suy tư trong Ký ức và sự hồn nhiên, vẻ đẹp hoang dã trong Chia sẻ, Sơn nữ. Xem ảnh của Siu H’Kết, người ta có cảm giác muốn đến ngay Tây Nguyên để thưởng thức và trải nghiệm cuộc sống...

Hãy đọc và cảm nhận vẻ đẹp của “Bốn cây Knia”.

Hải Như

nguồn: baodaklak.vn

ĐẶT PHÒNG

KHÁCH SẠN BẠCH MÃ

NGÀY ĐẾN
NGÀY ĐI
LOẠI PHÒNG
SỐ LƯỢNG

Hỗ trợ

Lễ Tân

Dịch vụ

Thư viện ảnh