Những chính sách hỗ trợ ngành Du lịch vượt qua khủng hoảng bởi COVID-19

09/04/2020 15:59:37 GMT+7

 

Trên trang www.wttc.org, Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (World Travel & Tourism Council – WTTC) đã đăng tải bài viết tổng hợp các gói chính sách của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã và đang áp dụng cho tới thời điểm hiện tại nhằm hỗ trợ ngành Du lịch của họ đối phó với đại dịch COVID-19.
 

Đường phố Italia vắng bóng du khách (ảnh minh họa)

 Italia:

Chính phủ Italia ưu tiên bảo vệ người lao động thông qua việc kích hoạt lại Quỹ dự phòng (Cassa integrazione) cho tất cả các lĩnh vực. Chính phủ cam kết chi trả 80% tiền lương cho người lao động. Những người làm việc tự do hoặc làm việc mùa vụ có thể nộp đơn xin khoản thanh toán đặc biệt 600 Euro trong tháng 3/2020. Các gia đình có thể xin hoãn các khoản thanh toán thế chấp nếu bị ngừng hoạt động kinh doanh do đại dịch. Hơn nữa, thời gian nghỉ phép của bố mẹ được kéo dài đến 15 ngày trong tháng 3 và 4/2020, những người chăm sóc người thân bị khuyết tật được quyền nghỉ tới 12 ngày thay vì 3 ngày trong 1 tháng. Italia cũng đã thành lập quỹ 500 triệu Euro để đối phó với thiệt hại của ngành hàng không.

Hồng Kông (Trung Quốc):

Hồng Kông (Trung Quốc) ban hành Chương trình trợ cấp cho đại lý du lịch nhằm chống lại dịch bệnh. Khoảng 1.350 đại lý du lịch đủ điều kiện có thể nhận được trợ cấp một lần là 80.000 đô la Hồng Kông để giúp họ vượt qua những khó khăn tài chính khi dịch bệnh bùng phát. Ước tính đã có 98% đại lý du lịch được cấp phép tại Hồng Kông đã đăng ký để nhận trợ cấp.

Singapore:

Ngay khi Singapore bắt đầu xuất hiện COVID-19 vào ngày 23/01, Chính phủ đã đưa ra một số chính sách và biện pháp hỗ trợ ngành Du lịch. Chính phủ thực hiện miễn lệ phí cấp giấy phép cho khách sạn, đại lý du lịch và hướng dẫn viên; tăng cường các chương trình đào tạo và trợ cấp; hỗ trợ lên tới 70% tiền lương cố định hàng tháng (giới hạn ở mức 2000 USD/tháng) cho lao động. Chính phủ cũng đã giảm phí hạ cánh và đỗ máy bay cũng như giảm giá cho thuê đối với các cửa hàng và đại lý hàng hóa tại sân bay Changi; tăng cường cho vay vốn lưu động; giảm 25% thuế thu nhập doanh nghiệp, với mức giảm cao nhất 15.000 USD mỗi công ty.


Philippines dự kiến dành 118 triệu USD để thực hiện công tác quảng bá sau dịch COVID-19

Philippines:

Ngành Du lịch sẽ nhận được một phần đáng kể  trong gói hỗ trợ 523 triệu USD (27,1 tỷ peso). Trong đó 271 triệu USD (14 tỷ peso) từ Cơ quan quản lý cơ sở hạ tầng và doanh nghiệp du lịch (TIEZA) dành cho các chương trình và dự án của Bộ Du lịch Philippines. Để hỗ trợ người lao động, 23 triệu USD (1,2 tỷ peso) từ sẽ được sử dụng làm trợ cấp thất nghiệp cho người lao động từ khu vực tư nhân; 58 triệu USD (3 tỷ peso) dành cho việc đào tạo lại lao độn; gần 40 triệu USD (2 tỷ peso) sẽ được phân bổ cho các chương trình bảo trợ xã hội cho những người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Bộ Du lịch Philippines đang dự tính phân bổ khoảng 118 triệu USD (6 tỷ peso) cho công tác quảng bá trong giai đoạn phục hồi; trong đó có 421 triệu peso dành cho du lịch nội địa và 4,6 tỷ peso để hướng tới quảng bá tại các thị trường khách quốc tế không bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Đức:

Để bảo vệ các công ty khỏi bị phá sản, Chính phủ đã cam kết không giới hạn các khoản vay tiền mặt cho các doanh nghiệp và tạm dừng nghĩa vụ tài chính đối với các công ty đang gặp khó khăn cho đến tháng 9/2020. Chính phủ Đức dự kiến sẽ ​mở rộng khoản vay từ 460 tỷ euro lên 550 tỷ euro (tương đương 610 tỷ USD) cho các doanh nghiệp Đức.

 Úc:

Chính phủ đã cam kết hỗ trợ 1 tỷ đô la Úc (613 triệu USD) cho các đối tượng, bao gồm cả những doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Gói hỗ trợ này sẽ bao gồm việc miễn phí và lệ phí cho các doanh nghiệp hoạt động trong Great Barrier Reef Marine Park and Commonwealth National Parks.

 Pháp:

Chính phủ Pháp đã thành lập quỹ “Solidarity Fund” trị giá 2 tỷ euro hỗ trợ cho các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, gồm 160.000 doanh nghiệp cung cấp thực phẩm, 140.000 doanh nghiệp thương mại và 100.000 doanh nghiệp du lịch.


Chính phủ Tây Ban Nha công bố khoản tài trợ trị giá 400 triệu euro (Ảnh minh họa bãi biển Costa Brava, Tây Ban Nha) 

Tây Ban Nha:

Chính phủ Tây Ban Nha đã công bố khoản tài trợ trị giá 400 triệu euro cho các công ty vận chuyển, taxi, khách sạn, nhà hàng, cho thuê xe, đại lý du lịch, bảo tàng… có trụ sở tại Tây Ban Nha cần thanh khoản với giới hạn 500.000 euro. Chính phủ cũng đã công bố gói 200 tỷ euro để giúp các doanh nghiệp, người lao động và các nhóm dễ bị tổn thương khác bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Trong số 200 tỷ euro, một nửa được gắn với chương trình bảo lãnh công để đảm bảo tính thanh khoản cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn và để giảm bớt tình trạng sa thải hàng loạt.

Vương quốc Anh:

Thủ tướng Anh đã đưa ra gói các biện pháp tạm thời để hỗ trợ các dịch vụ công cộng, người dân và doanh nghiệp với tổng kinh phí lên tới 330 tỷ bảng. Các biện pháp được áp dụng bao gồm: miễn lãi suất 12 tháng cho tất cả các doanh nghiệp bán lẻ, khách sạn và giải trí ở Anh; tài trợ từ 15.000 đến 51.000 bảng cho các doanh nghiệp bán lẻ, khách sạn và giải trí; 10.000 bảng cho tất cả các doanh nghiệp nhỏ. Chính phủ cũng cung cấp khoản vay lên tới 5 triệu bảng cho các doanh nghiệp nhỏ thông qua Ngân hàng doanh nghiệp Anh.

Bồ Đào Nha:

Chính phủ Bồ Đào Nha đã đưa ra hơn 30 giải pháp ​​nhằm bảo vệ người lao động và đồng thời giảm thiểu tác động của dịch COVID-19. Chính phủ đã đặc biệt chú trọng vào ngành Du lịch bằng cách thiết lập hạn mức tín dụng 60 triệu euro dành riêng cho các doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực này. Các biện pháp chính bao gồm: tăng hạn mức tín dụng lên 200 triệu euro cho các doanh nghiệp, đảm bảo 70% chi phí an sinh xã hội, cấp học bổng đào tạo, gia hạn thời hạn nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính khác…

WTTC kêu gọi chính phủ các quốc gia trên toàn thế giới thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho ngành Du lịch theo 3 trọng tâm, cụ thể là:

 

– Bảo vệ sinh kế cho người lao động: trợ giúp tài chính để đảm bảo thu nhập của hàng triệu người lao động đang gặp khó khăn.

– Hỗ trợ tài chính: mở rộng các khoản vay không giới hạn và không tính lãi cho các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ để ngăn chặn sự phá sản hàng loạt. Các khoản thuế và phí đối với doanh nghiệp du lịch cần được miễn trừ với hiệu lực ngay lập tức trong ít nhất 12 tháng tới.

– Kích thích thanh khoản và lưu chuyển tiền mặt: kích thích tính thanh khoản và dòng tiền để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch cũng như cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong Ngành.

Nguồn : Báo Du lịch

ĐẶT PHÒNG

KHÁCH SẠN BẠCH MÃ

NGÀY ĐẾN
NGÀY ĐI
LOẠI PHÒNG
SỐ LƯỢNG

Hỗ trợ

Lễ Tân

Dịch vụ

Thư viện ảnh