Uống cà phê, ngắm "Ban Mê đa sắc"

27/05/2020 16:33:50 GMT+7

Quán cà phê Đắk Lắk (124 Lý Thường Kiệt - TP. Buôn Ma Thuột) trở thành gallery của nhóm họa sĩ: Lê Vấn, Trương Văn Linh, Nguyễn Thu Vân và Nguyễn Tấn Vĩ hôm 15-5 vừa qua,...

... khi họ đem tranh của mình đến đây trưng bày và giới thiệu với công chúng, nhất là những người yêu mỹ thuật.

Hơn 20 bức tranh (sơn dầu, sơn công nghiệp, acrilic và màu nước) được nhóm họa sĩ trên vẽ ra từ ký ức và nhịp sống hiện tại về một thành phố xinh đẹp, trẻ trung mà mình đã từng sống và đi qua với tên gọi rất đỗi tự hào, trìu mến: “Ban Mê đa sắc”. Và quả đúng như vậy, “Ban Mê đa sắc” đã dẫn dắt người thưởng lãm ngược thời gian trở về với một đô thị yên bình, dân dã của những thập niên 80 – 90 thế kỷ trước, cũng như cuộc sống đương đại đầy hối hả và ngổn ngang trước mắt.

Những ngôi nhà gỗ, góc chợ, rừng cây, con dốc, ngả đường đầy hoa lá và cả vệt nắng sớm mai trong trẻo, hay dần tắt trong buổi hoàng hôn sẫm tím của quá khứ - hiện tại - tương lai (dự cảm)… đã níu người xem dừng lại lâu hơn để nghĩ ngợi về thành phố xinh đẹp và đáng yêu này. Đó cũng là thông điệp mà nhóm thực hiện “Ban Mê đa sắc” muốn gửi đến mọi người, họa sĩ Lê Vấn chia sẻ.

Họa sĩ Nguyễn Tấn Vĩ (bên phải) chia sẻ ý tưởng việc trưng bày mỹ thuật "Ban Mê đa sắc". Ảnh: Thanh Nga

Ngoài ra, điều quan trọng hơn - theo hoạ sĩ Nguyễn Tấn Vĩ, đem tranh đến quán cà phê trưng bày, triển lãm là để tương tác với công chúng, qua đó tạo nên đời sống mỹ thuật ở TP. Buôn Ma Thuột trong điều kiện chưa có hệ thống galery đính kèm với thị trường tranh như hiện nay. Cách thức này không mới, nhưng cũng là một lựa chọn khả dĩ nhằm đưa công chúng đến với bộ môn nghệ thuật vốn khó tính và “ít đại chúng” này. Ví như họa sĩ Hồ Hậu hay Phùng Đạt đã biến quán cà phê của mình trên đường Giáp Hải và Đinh Tiên Hoàng (TP. Buôn Ma Thuột) trở thành tụ điểm giao lưu, chia sẻ cảm xúc sáng tạo nghệ thuật với đồng nghiệp và mọi người.

Nhóm họa sĩ đưa tranh đến quán cà phê 124 Lý Thường Kiệt cũng vậy, là góp phần làm sống động đời sống mỹ thuật ở đây. Họa sĩ Nguyễn Tấn Vĩ cho rằng, những địa chỉ giới thiệu, trưng bày tranh nói trên - ngoài ý nghĩa xã hội ra, còn từng bước hình thành nên yếu tố thị trường mỹ thuật giúp giới cầm cọ theo đuổi và sống được với nghề, dù thi thoảng mới bán được một đôi bức tranh lấy lệ. Như thế cũng vui lắm rồi, còn hơn sáng tác xong phải ngậm ngùi “nhốt” đứa con tinh thần của mình vào hầm kho, kệ tủ...

"Ban Mê đa sắc" được trưng bày tại quán cà phê 124 Lý Thường Kiệt - TP. Buôn Ma Thuột.

Có thể nói, niềm vui của họ được nhiều người chia sẻ, ít nhiều - nơi những quán cà phê kiêm vai trò gallery không chuyên nghiệp kia cũng có gương mặt thứ ba là công chúng tham gia cảm nhận, bình phẩm và hơn thế là đòi hỏi chủ thể sáng tạo phải làm gì, đi theo hướng nào trong việc định hướng và phát triển mỹ thuật ở đô thị miền núi này. Điều đó thật có ý nghĩa trong bối cảnh đời sống mỹ thuật Đắk Lắk vốn dĩ buồn và trầm lắng, ít thấy hiện diện trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nói chung và công chúng yêu hội họa nói riêng. 

Hy vọng cuộc trưng bày mỹ thuật “Ban Mê đa sắc” tại quán cà phê 124 Lý Thường Kiệt và tiếp theo nữa là nhiều địa chỉ khác trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột sẽ đem lại cho công chúng nhiều hơn những cảm xúc đẹp đẽ và giàu ý nghĩa khi điều kiện cho phép những họa sĩ ở đây đứng ra tổ chức giới thiệu, triển lãm tác phẩm cho mình, hoặc cả nhóm tại một không gian thích hợp, góp phần hình thành nên đời sống mỹ thuật thật sự sôi động trên vùng đất giàu bản sắc văn hóa này.

    Đình Đối

Bài viết gốc: http://baodaklak.vn/channel/9803/202005/uong-ca-phe-ngam-ban-me-da-sac-5683908/

Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

ĐẶT PHÒNG

KHÁCH SẠN BẠCH MÃ

NGÀY ĐẾN
NGÀY ĐI
LOẠI PHÒNG
SỐ LƯỢNG

Hỗ trợ

Lễ Tân

Dịch vụ

Thư viện ảnh