Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ mừng thọ của người M’nông

22/11/2023 15:26:38 GMT+7

Tại Hội thảo “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ mừng thọ của người M’nông” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) vừa tổ chức, các đại biểu tham dự đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết.

Nhiều giá trị trong đời sống tinh thần

Được Bộ VHTT&DL công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2022, “Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ mừng thọ của người M’nông huyện Lắk” (Lễ mừng thọ) thể hiện nhiều giá trị tinh thần của người M’nông. Nghi lễ phản ánh quan niệm, tư duy của người M’nông đối với cuộc đời như sự sống, cái chết cùng các mối quan hệ cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng gắn với môi trường tự nhiên và xã hội. Đồng bào M'nông tổ chức lễ mừng thọ là một trong những cách thể hiện sự tôn kính người lớn tuổi, chia sẻ niềm vui với người thụ lễ, của gia đình và cả cộng đồng.

Giá trị đạo đức là nền tảng giúp duy trì nền nếp gia đình, trật tự xã hội theo những tiêu chuẩn, nguyên tắc nhất định. Giá trị này còn bộc lộ qua cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, cộng đồng. Lễ mừng sức khỏe cho người già thể hiện sự quý trọng và cách ứng xử đối với người cao tuổi. Thông qua nghi lễ, thế hệ trẻ sẽ có thêm bài học về sự kính trọng các bậc tiền nhân, đến một lúc nào đó những thế hệ tiếp nối sẽ lại tiếp tục trao truyền cách ứng xử ấy đến thế hệ sau; đồng thời, thể hiện sự biết ơn của thế hệ sau đối với thế hệ đi trước.

Tặng vòng cầu chúc sức khỏe cho người được mừng thọ tại Lễ mừng thọ của người M'nông (buôn Đung, xã Đắk Phơi, huyện Lắk).

Tinh thần cố kết cộng đồng là một truyền thống đúc kết nên giá trị văn hóa cộng đồng, là nguồn động lực nuôi dưỡng mạch nguồn văn hóa tộc người. Lễ mừng thọ của người M'nông không chỉ diễn ra trong một gia đình mà liên quan tới cả cộng đồng: một số nghi thức liên quan đến ứng xử, giao tiếp, quan hệ cộng đồng như văn hóa rượu cần, văn hóa ẩm thực trong ngày này giúp những người họ hàng, những người trong cùng buôn làng ngày càng gắn kết, mật thiết hơn.

Để di sản được bảo tồn và phát huy

Từng trực tiếp tham gia khảo sát việc thực hành di sản ở cộng đồng, ông Y Chen Niê (Sở VHTT&DL) cho hay, hiện nay di sản văn hóa phi vật thể Lễ mừng thọ trong đời sống cộng đồng đã có nhiều thay đổi do nhiều nguyên nhân. Các dân tộc cùng làm ăn sinh sống ở huyện Lắk có sự hòa nhập, chung sống cộng cư và đan xen, trong môi trường đa văn hóa khiến văn hóa truyền thống cũng chịu tác động, phân hóa, biến đổi. Sự giao lưu, ảnh hưởng hiện nay giữa các tộc người không chỉ trên phạm vi rộng ở huyện, xã mà còn cả trong phạm vi hẹp ở buôn làng, gia đình.

Lễ mừng thọ thường diễn ra tại gia đình, trong phạm vi buôn làng, dòng họ cũng trực tiếp hoặc gián tiếp chịu sự tác động của quá trình tiếp biến này. Với xu thế giao lưu hội nhập, các giá trị văn hóa Lễ mừng thọ của người M’nông ở Lắk không tồn tại như một thể thống nhất mà có dấu hiệu mai một và biến mất trước tác động của văn hóa hiện đại, nhất là khi họ có ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống của cộng đồng mình nhưng vẫn sẵn sàng tiếp thu văn hóa của nhóm cộng đồng ngôn ngữ khác hay của tộc người khác, nhất là người Kinh.

Ông Y Ơn Liêng (buôn Đung, xã Đắk Phơi, huyện Lắk) phát biểu, đề xuất số một chính sách để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể Lễ mừng thọ của người M'nông

Ngoài ra, Lễ mừng thọ của người M’nông được hình thành trên cơ sở mối quan hệ huyết thống khép kín trong dòng họ theo đại gia đình mẫu hệ. Những năm gần đây, thiết chế đại gia đình truyền thống đã được thay thế bằng các gia đình hạt nhân năng động hơn. Ở một mức độ nào đó, sự thay thế này đã phá vỡ sự gắn bó mật thiết cộng cảm giữa các thành viên gia đình mẫu hệ - "lớp vỏ" giúp bảo lưu văn hóa truyền thống. Đây là nguyên nhân rất quan trọng bởi đại gia đình mẫu hệ có vai trò lớn trong sản sinh, duy trì bản sắc nghi lễ vòng đời người.

Những vấn đề đó đã được đại biểu dự hội thảo bàn luận, phân tích nhằm tìm hướng bảo tồn, gìn giữ và phát huy di sản văn hóa một cách hiệu quả. Theo bà Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk, cần phục dựng Lễ mừng thọ tăng sự gắn liền với cộng đồng. Trong đó, chủ thể là dân làng và cộng đồng dân tộc M’nông. Điều đó đồng nghĩa họ chính là những người thực hiện các nghi thức của Lễ, cũng như tự nguyện cùng gia đình, cộng đồng buôn làng tổ chức dưới sự hỗ trợ của các cấp chính quyền. Tránh trường hợp các cơ quan, tổ chức can thiệp sâu vào việc tổ chức Lễ, khiến người dân chỉ là những người thực hiện một cách gượng ép, máy móc và không có tình cảm trong khi thực hiện…

Lãnh đạo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lắk cho rằng, cần nâng cao nhận thức của chủ thể văn hóa để thấy được cái hay, cái đẹp của văn hóa mình; nâng cao nhận thức cho chính quyền, cán bộ, những người làm công tác văn hóa tại cơ sở; có cơ chế đãi ngộ hợp lý với các nghệ nhân - những người nắm giữ linh hồn của di sản; phát huy giá trị Lễ mừng thọ gắn với du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng…

Ông Y Ơn Liêng (buôn Đung, xã Đắk Phơi, huyện Lắk) bày tỏ mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ các nghệ nhân – những người nắm giữ linh hồn của nghi lễ mừng thọ, đặc biệt là các nghệ nhân có điều kiện kinh tế khó khăn. Bởi, hiện nay, chỉ những người được phong tặng nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân mới được nhận hỗ trợ từ Nhà nước, trong khi thực tế có rất nhiều người tâm huyết, miệt mài với văn hóa dân tộc…

Ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL cho hay: "Những tham luận, ý kiến tại hội thảo sẽ được sử dụng, tham khảo trong quá trình xây dựng các đề án, kế hoạch bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ mừng thọ của người M’nông trong thời gian tới".

Mai Sao

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202311/bao-ton-va-phat-huy-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-le-mung-tho-cua-nguoi-mnong-c941a8d/

Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

ĐẶT PHÒNG

KHÁCH SẠN BẠCH MÃ

NGÀY ĐẾN
NGÀY ĐI
LOẠI PHÒNG
SỐ LƯỢNG

Hỗ trợ

Lễ Tân

Dịch vụ

Thư viện ảnh