Người Ê Đê duy trì nét đẹp văn hoá của Lễ cúng trưởng thành

24/11/2023 15:47:08 GMT+7

Đối với người đàn ông Ê Đê, từ khi sinh ra đến lúc trở thành một chàng trai biết gánh vác mọi công việc của gia đình, của buôn làng thì đều phải trải qua Lễ cúng trưởng thành (tiếng Ê Đê là Mpú Tôh - Kông).

Chàng trai Ê Đê được thầy cúng đeo chiếc vòng đồng đánh dấu sự trưởng thành

Mới đây, trong khuôn khổ của Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Gia Lai 2023, đoàn nghệ nhân Ê Đê tỉnh Đắk Lắk đã tái hiện Lễ cúng trưởng thành, một trong những nghi lễ quan trọng của đời người, nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Ê Đê.

Sau khi đã chọn được ngày lành, tháng tốt, chàng thanh niên được làm lễ trưởng thành tự hào khoác lên mình bộ trang phục truyền thống Ê Đê mới nhất. Sau đó, ra bến nước đầu buôn rửa mặt, gội đầu trước sự chứng kiến của Yang. Lúc này, toàn bộ lễ vật cần thiết đã được chuẩn bị sẵn sàng gồm cơm trắng, xôi nếp, thịt lợn, thịt gà, cá, rượu cần...

Lễ được tổ chức to hay nhỏ tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Theo đó, nghi lễ được tiến hành qua 2 phần. Phần thứ nhất, là cúng báo công với ông bà tổ tiên và phần thứ hai là nghi lễ cúng trưởng thành.

Chủ lễ, già làng Y Wơn Nie Kđăm (làng Bôn Weo, thị trấn Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) kể: “Lễ vật cúng tổ tiên gồm con 1 gà, 1 ghè rượu nhằm kêu gọi những người đã khuất của dòng họ cùng nhau về bảo vệ cho con, cháu trai. Lễ cúng trưởng thành có 1 con heo, 3 ghè rượu để kêu gọi tất cả các Yàng xuống chứng kiến. Lúc này chàng trai là người sẽ kế nghiệp cha mẹ trông coi nương rẫy, gánh vác những công việc trong nhà thay cha mẹ ”.

Chàng trai múa khiên, kiếm chứng tỏ sức mạnh trong Lễ cúng trưởng thành

Trong nghi lễ trưởng thành, già làng thay mặt buôn làng, họ tộc chàng trai làm lễ cúng Yàng và trao chiếc vòng đeo tay cho chàng trai. Có nghĩa là buôn làng đã chứng kiến và  trao cho sức mạnh cho chàng trai. Sau khi được trao vòng tay, chàng trai cầm kiếm sắc chém đứt hai cây đã được trồng sẵn, tượng trưng cho hình ảnh hạ gục kẻ thù rồi đến cúi đầu ngồi đối diện với thầy cúng.

Từng tiếng chiêng theo nhịp vang lên, thầy cúng khấn tế để các thần, tổ tiên ban cho gia đình, chàng trai sức khoẻ, may mắn, an lành. Thay mặt thần linh, thầy cúng trao cho chàng trai thanh kiếm và chiếc khiên.

Lúc này, các sơn nữ Ê Đê vừa reo mừng vừa té nước vào chàng trai, thay cho những lời chúc phúc tốt đẹp và bắt đầu những điệu xoang uyển chuyển. Mọi người cùng ngồi vào mâm cỗ vừa nghe tiếng chiêng rộn ràng vừa uống rượu cần, đắm chìm trong tiếng chiêng trống, cùng nhau hoan ca, say với đất trời. Từ đây, chàng trai đã chính thức được gia đình, buôn làng công nhận là người trưởng thành. Mọi lời nói, hành động của chàng trai sẽ có “giá trị” với dân làng.

Chàng trai Y Sô Rian Kbuôr (làng Bôn Weo, thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) năm nay đã 18 tuổi vừa gia đình đã tổ chức làm Lễ cúng trưởng thành.  Anh Y Sô Rian Kbuôr chia sẻ: “Hôm nay là một ngày quan trọng trong cuộc đời mình, mình rất tự hào, phấn khởi. Bởi từ đây, mình có thể lo cho cha mẹ và người thân trong gia đình. Mình nói đúng thì mọi người sẽ tin và làm theo”.

Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần của mỗi cá nhân và cộng đồng, nghi lễ này đã tồn tại hàng trăm năm qua, và là một trong những nghi lễ truyền thống tiêu biểu của người Ê Đê sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Việc phục dựng Lễ cúng trưởng thành ngoài nâng cao trách nhiệm của chàng trai Ê Đê còn là cách “truyền lửa” cho thế hệ trẻ thêm yêu và gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Đặc biệt, Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, vì vậy, đồng bào Ê Đê luôn tự hào và ý thức gìn giữ văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.

Già làng Y Wơn Nie Kđăm bảo rằng: "Mpú Tôh - kông được cộng đồng Ê Đê ta còn gìn giữ mãi. Nó không chỉ thể hiện ý nghĩa nhân văn đối với mỗi cá nhân mà còn là sự hiện diện của tình cộng cư, gắn bó keo sơn giữa các thành viên trong gia đình, giữa gia đình với cộng đồng dân cư. Chúng tôi đã vận động người dân cùng gìn giữ nghi lễ truyền thống tốt đẹp này. Đây cũng chính là tính nhân văn của nghi lễ truyền thống mà mỗi gia đình Ê Đê cần phải giữ gìn cho muôn đời sau”.

Ngày nay, Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê, ngoài ý nghĩa nâng cao trách nhiệm của đàn ông trước gia đình, buôn làng thì đây còn là cách “truyền lửa” cho thế hệ trẻ thêm yêu và gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Bên cạnh đó, thực hiện cuộc vận động xây dựng nếp sống mới và xây dựng nông thôn mới, những tập tục lạc hậu, những nghi thức rườm rà của tộc người Ê Đê nơi đây dần dần được đơn giản hóa hoặc xóa bỏ. Những phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp, trong đó có nghi lễ cúng trưởng thành vẫn được người Ê Đê cùng nhau duy trì. 

Việc triển khai thực hiện phục dựng lễ cúng trưởng thành đang góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Ê Đê nói riêng, các DTTS nói chung gắn với phát triển du lịch của cộng đồng các dân tộc trên vùng Trường Sơn - Tây Nguyên.

Ngọc Thu 

 

baodantoc.vn

ĐẶT PHÒNG

KHÁCH SẠN BẠCH MÃ

NGÀY ĐẾN
NGÀY ĐI
LOẠI PHÒNG
SỐ LƯỢNG

Hỗ trợ

Lễ Tân

Dịch vụ

Thư viện ảnh