Kết nối du lịch: Cửa rừng mở về phía đại dương

18/01/2024 10:21:30 GMT+7

Năm 2022, 6 tỉnh miền Trung – Tây Nguyên đã khởi động một chương trình hành động chung, kết nối các sản phẩm du lịch đặc thù để tăng cơ hội phát triển du lịch các địa phương.

Tổng kết năm 2023, các tỉnh đều đánh giá cao ý tưởng này, nhưng thừa nhận khả năng hợp tác lại chưa cao, bởi “thiếu các sản phẩm đặc trưng để lan tỏa các giá trị bản địa, thu hút du khách”.

Nhận xét về cái “thiếu” này, được ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk đặc biệt nhấn mạnh và xem đây là một trong những vấn đề nổi cộm của chính du lịch tỉnh. Đánh giá công tác hợp tác của 6 địa phương thể hiện: Số lượng các dự án du lịch tại chỗ chưa nhiều, và số lượng những dự án theo chương trình kết nối hợp tác lại còn ít hơn, đa số triển khai chậm do nhiều nguyên nhân. Tất cả đặt rõ yêu cầu mới cho năm 2024, theo nhìn nhận của ông Thái Hồng Hà, “phải mở được cửa rừng về phía đại dương”.

Cùng khai thác tiềm lực lớn

6 tỉnh ký kết hành động hợp tác chung về du lịch, là Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên. Theo nhìn nhận từ các địa phương, đây là một cơ hội “liên kết dải” khá hấp dẫn, từ Nam Trung bộ lên Tây Nguyên. Trước dải liên kết này, có thể nói đến tour Di sản miền Trung với 5 tỉnh thành Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam, nhằm cùng nhau khai thác được “con đường di sản văn hóa”.

Sự khác biệt nằm ở chỗ, tour di sản nhắm đến các giá trị văn hóa, còn chương trình hợp tác 6 tỉnh lại nhằm vào những ưu thế riêng biệt của các địa phương: du lịch vùng biển và du lịch vùng cao nguyên. Du khách đi theo dải liên kết này sẽ được trải nghiệm những sản phẩm du lịch từ vùng cát biển Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, đến những khung cảnh rừng núi đại ngàn, thác cao dốc thẳm Gia Lai, Kon Tum, và nhất là Đắk Lắk.

Nhịp chiêng và vòng xoang lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số tại chổ tỉnh Đắk Lắk luôn cuốn hút du khách. Ảnh: Quang Khải

“Hãy tưởng tượng một ngày, sáng bạn thức dậy trên bờ biển Bình Định, ngắm bình minh với một tô cháo hải sản lót dạ, chiều bạn đã ngồi dưới tán cây cổ thụ, nghe nhịp chiêng vang dội và ngắm ánh lửa bếp bập bùng dưới chân thác”. Đoạn miêu tả này đã được một bạn trẻ hướng dẫn viên viết trên mạng xã hội, để giới thiệu ý tưởng xâu chuỗi các sản phẩm du lịch từ miền cát trắng thùy dương lên non cao.

Tiềm lực khai thác của ý tưởng liên kết các sản phẩm du lịch này thật sự rất lớn. Cái chính là các doanh nghiệp bản địa, những đơn vị làm lữ hành chuyên nghiệp có khéo phối hợp hiệu quả với nhau, để cùng soạn nên những kịch bản sâu sắc, thể hiện "cái hồn đất bazan trên đồng mía ngọt đậm đà hương vị don"? Tinh thần này, thực tế đã được cả 6 địa phương đưa ra, tổ chức các chủ đề, chính sách cùng làm, cùng giới thiệu. Riêng năm 2023, 6 tỉnh cùng có những gian hàng chung tại Hội chợ Du lịch, Ẩm thực và Đặc sản vùng miền Phú Yên 2023, tại Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh lần thứ 19 năm 2023, tại Hội chợ Du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 17… Hình ảnh du lịch vùng duyên hải, và những đặc sản Tây Nguyên đã cùng hiện hữu trong các chương trình quảng bá, khảo sát do 6 tỉnh tổ chức với các địa phương khác như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Bình, Quảng Nam, Cần Thơ, Bạc Liêu và của Hiệp hội Du lịch Việt Nam…

Vẫn còn nhiều trăn trở

Đại diện Hiệp hội Du lịch Quảng Ngãi từng nhìn nhận ở hội nghị đánh giá công tác liên kết, thế mạnh du lịch của các địa phương đều rất rõ ràng, nhưng vì sao đến nay chưa có được một “danh sách sản phẩm”, những bộ nhận dạng thương hiệu chuẩn cho các điểm đến, điểm dừng hấp dẫn giữa 6 tỉnh? Mở rộng ra, tinh thần liên kết du lịch cũng đâu chỉ gói ở 6 tỉnh, mà còn mong đấu nối thêm với Di sản miền Trung và cả những điểm du lịch lớn ở hai đầu đất nước.

Du khách trải nghiệm, khám phá Khu du lịch Troh Bư (Buôn Đôn). Ảnh: Hoàng Gia

Báo cáo đánh giá du lịch 6 tỉnh cho thấy, có bốn nhược điểm tồn tại trong công tác kết nối và tổ chức. Đó là, nguồn kinh phí tổ chức xúc tiến còn hạn chế; cách thức tổ chức chưa hiệu quả, thiếu hợp tác sáng tạo khi xây dựng những hình ảnh chung và ứng dụng công nghệ số hóa, chưa tạo ra chương trình, sản phẩm mới đặc sắc; sự phối hợp giữa các doanh nghiệp trong hợp tác, xây dựng và cung cấp những chương trình, sản phẩm du lịch đặc sắc, mang đậm dấu ấn vùng miền với chất lượng cao lại chưa đạt hiệu quả cao; và số lượng các dự án đầu tư du lịch tại các địa phương cũng như đầu tư trên địa bàn của nhau còn chưa nhiều.

Để thay đổi chất lượng liên kết du lịch, thực sự lan tỏa được những giá trị hấp dẫn “đưa rừng xuống biển, đưa biển lên ngàn”, cần một tinh thần hợp tác và chia sẻ mạnh mẽ hơn nữa. Bản thân mỗi địa phương cùng cộng đồng doanh nghiệp du lịch phải trăn trở nhiều hơn, có được các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo hơn. “Các tỉnh liên kết cần nghiên cứu xây dựng các chính sách kích cầu du lịch chung hiệu quả hơn, từ các ấn phẩm, vật phẩm quảng bá chung, đến các bộ nhận diện thương hiệu du lịch… và nhất là phải biết đẩy mạnh, phát triển thương mại điện tử, liên kết và cung cấp thông tin qua mạng lưới số hóa, công nghệ thông minh. Hiệp hội du lịch các địa phương cần cùng các doanh nghiệp xây dựng được các tour du lịch theo chủ đề từng vùng để đa dạng hóa, hấp dẫn trải nghiệm của du khách...”, ông Hà phân tích.

Riêng với Đắk Lắk, câu chuyện giao thông lan tỏa đang được tỉnh chú trọng phát triển, với những đường cao tốc đang mở, thực sự sẽ là bước đi thần kỳ trong tương lai gần, cho phép “mở cửa rừng về phía đại dương”.

Thụy Bất Nhi

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/tin-noi-bat/202401/ket-noi-du-lich-cua-rung-mo-ve-phia-dai-duong-6781604/

Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

ĐẶT PHÒNG

KHÁCH SẠN BẠCH MÃ

NGÀY ĐẾN
NGÀY ĐI
LOẠI PHÒNG
SỐ LƯỢNG

Hỗ trợ

Lễ Tân

Dịch vụ

Thư viện ảnh