Hướng mở cho sản phẩm thổ cẩm

21/12/2018 15:05:07 GMT+7

Lớp tập huấn chuyển giao ứng dụng công nghệ dệt thổ cẩm cho đồng bào dân tộc thiểu số do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch...

... tổ chức mới đây tại thị xã Gia Nghĩa được xem là hướng mở cho sản phẩm thổ cẩm.

Theo đó, 28 nghệ nhân là đồng bào các dân tộc thiểu số  Ê đê, Mạ, M’nông, Mông, Dao đến từ các địa phương trong tỉnh đã được chuyển giao các kỹ thuật dệt thổ cẩm với các công đoạn từ quay chỉ, móc, dệt, làm hoa văn và cách thiết kế, may các sản phẩm cách tân.

Cách tạo hoa văn bằng kỹ thuật mới giúp rút ngắn thời gian

Đáng chú ý, với công nghệ dệt thổ cẩm mới sẽ giúp đồng bào rút ngắn thời gian, chi phí, nguyên liệu cũng như sản phẩm thổ cẩm ngày càng phù hợp với nhu cầu thị hiếu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Vì vậy, hầu hết các nghệ nhân đều vui mừng vì không chỉ được học kỹ thuật mới mà hy vọng những sản phẩm của mình sẽ có chỗ đứng trên thị trường về lâu dài.

Bà H’Bình ở bon N’Jiêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) thừa hưởng khả năng biết dệt từ khi 12 tuổi. Với bàn tay khéo léo, lớn lên lập gia đình, bà cũng sống bằng nghề dệt thổ cẩm, với việc bán các sản phẩm cho du khách, bà con quanh vùng.

Bà H’Bình tâm sự: “Dù có giỏi dệt thì để hoàn thiện được một sản phẩm thổ cẩm cũng phải mất rất nhiều thời gian. Có những chiếc áo, váy phải mất hơn 1 tháng mới dệt và may xong nên thu nhập còn rất khiêm tốn. Khi tham gia lớp tập huấn, mình đã học được thêm rất nhiều kỹ thuật, thay vì làm thủ công thì cách dệt mới tạo thành phẩm rất nhanh. Ngoài hoa văn truyền thống, mình được hướng dẫn thêm về cách tạo hoa văn của các dân tộc khác để đa dạng mẫu mã cho sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của khách hàng, thị trường”.

Học viên được hướng dẫn cách may các sản phẩm cách tân

Bà H’Run ở buôn Trum, xã Tâm Thắng (Cư Jut) cũng cho biết: “Lâu nay, mình quen làm tất cả các công đoạn bằng một khung cửi. Bây giờ, mình được hướng dẫn áp dụng các khung dệt cải tiến nên các cộng đoạn như quay chỉ, móc, dệt, tạo hoa văn được thực hiện rất nhanh. Bên cạnh đó, vận dụng kỹ thuật may bằng máy nên việc tạo ra sản phẩm cũng rút ngắn được thời gian rất nhiều”.

Không chỉ được trang bị công nghệ dệt thổ cẩm mới, các nghệ nhân còn được hướng dẫn thiết kế và may các sản phẩm cách tân từ sản phẩm thổ cẩm. Các sản phẩm cách tân thường là sự kết hợp hài hòa giữa những loại vải trên thị trường với các hoa văn, đường nét hay điểm nhấn bằng thổ cẩm.

Theo bà Trần Hồng Lâm-giảng viên lớp tập huấn, thực tế hiện nay, các trang phục thổ cẩm truyền thống chủ yếu mặc trong các lễ hội, cưới hỏi, thanh niên rất ít mặc vì nhiều nguyên nhân. Vì vậy, những sản phẩm cách tân sẽ khắc phục được một số hạn chế của sản phẩm thổ cẩm truyền thống như phối màu đa dạng hơn, thoáng mát hơn, nhẹ nhàng và tạo được nhiều kiểu dáng hơn, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu, nhất là đối với lớp trẻ bây giờ. Việc áp dụng kỹ thuật mới giúp người làm rút ngắn thời gian, chi phí và nguyên liệu tạo ra các sản phẩm như áo, váy, túi xách, ví, cà vạt...

Bà Lâm cũng cho rằng, khi đã có sản phẩm phù hợp thị hiếu thì cũng cần có những hình thức thiết thực để tạo thị trường, đầu ra cho sản phẩm thuận lợi hơn. Chẳng hạn có thể mở các cửa hàng chuyên kinh doanh và giới thiệu các mặt hàng từ thổ cẩm. Việc đào tạo một đội ngũ thợ chuyên nghiệp cũng là hình thức để vừa bảo tồn các sản phẩm thổ cẩm vừa mở rộng thị trường với các mặt hàng phù hợp với xu thế phát triển, trên cơ sở kế thừa bản sắc truyền thống.

Một số sản phẩm cách tân từ nguyên liệu thổ cẩm

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lớp tập huấn nằm trong khuôn khổ thực hiện “Đề tài nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị  văn hóa thổ cẩm của dân tộc thiểu số ở Đắk Nông”. Đây là cơ hội để sản phẩm thổ cẩm của các dân tộc trên địa bàn tỉnh dần phù hợp với nhu cầu thị hiếu cũng như mở rộng được thị trường tiêu thụ. Ngay sau khi tập huấn chuyển giao, trước mắt, các nghệ nhân sẽ được cấp một số máy may và khung dệt cải tiến. Về lâu dài, những người được chuyển giao công nghệ sẽ truyền dạy lại cho những bà con khác trong các buôn, bon. Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I tại tỉnh Đắk Nông năm 2018 diễn ra vào đầu tháng 1/2019 tới sẽ là cơ hội lớn để quảng bá các sản phẩm thổ cẩm trên địa bàn tỉnh, trong đó có các sản phẩm cải tiến được ứng dựng công nghệ mới.

 

Theo bà Đạt Thị Nam-giảng viên lớp tập huấn, hoa văn của các dân tộc trên địa bàn tỉnh rất nhiều, nhất là của người M’nông và Ê đê. Thời gian để tạo được một hoa văn phải mất từ 3-5 ngày. Tuy nhiên, khi áp dụng kỹ thuật mới, người dệt có thể rút ngắn thời gian xuống còn 1-2 ngày. Vì vậy, thời gian hoàn thiện một sản phẩm cũng có thể rút xuống còn 2-3 ngày, thay vì 1 tuần đến 1 tháng như trước đây

 

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền

 

"Trang thông tin điện tử tổng hợp Báo Đắk Nông"

ĐẶT PHÒNG

KHÁCH SẠN BẠCH MÃ

NGÀY ĐẾN
NGÀY ĐI
LOẠI PHÒNG
SỐ LƯỢNG

Hỗ trợ

Lễ Tân

Dịch vụ

Thư viện ảnh