Dấu ấn Buôn Ma Thuột

10/03/2024 09:16:16 GMT+7

Tháng Ba về với phố núi trong không khí rộn ràng với nhiều hoạt động kỷ niệm 49 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột (10/3/1975 – 10/3/2024). Ngày ấy đã trở thành ngày hội của quân và dân các dân tộc trên mảnh đất Đắk Lắk giàu đẹp và đầy bản sắc.

Hơn thế, đây cũng là dịp để mọi người tri ân và tự hào về mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Trong đó, Chiến thắng Buôn Ma Thuột có ý nghĩa to lớn và quyết định cho Đại thắng mùa xuân 1975.

Gần nửa thế kỷ đi qua, thành phố đã có bước phát triển mạnh mẽ. Giờ đây, Buôn Ma Thuột - một đô thị đóng vai trò trung tâm vùng Tây Nguyên trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng đã dần hiện ra ngày càng toàn diện và sáng rõ hơn. Địa danh Buôn Ma Thuột gợi nhớ về một vùng đất với bao nỗi thăng trầm lịch sử mà nó đã trải qua. Từ thời thuộc Pháp, đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, rồi sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975 cho đến bây giờ, đô thị miền núi này luôn gánh vác và đón nhận những sứ mệnh đặc biệt.

Ngã Sáu Buôn Ma Thuột hôm nay. Ảnh: Hoàng Gia

Thử điểm lại xem, đô thị này trong thời “Hoàng triều cương thổ” là một trong những nơi để ông vua cuối cùng triều Nguyễn - Bảo Đại cùng quan quân triều thần đi về ngẫm nghĩ cho thế cuộc suy vi khi thực dân Pháp đô hộ nước nhà.

Đến khi Pháp chính thức đặt ách đô hộ ấy lên cổ người dân nước Nam thì Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm hành chính của tỉnh lỵ Đắk Lắk - là nơi đặt bộ máy cai trị hà khắc của chính quyền thực dân để bóc lột và vơ vét của cải, tài nguyên vốn giàu có ở cao nguyên rộng lớn này.

Từ đây, những đồn điền được mở ra cùng với mồ hôi và máu của hàng vạn culi đổ xuống để làm giàu cho “mẫu quốc” Pháp; còn Buôn Ma Thuột vẫn xác xơ và heo hút trong tình cảnh bị cầm tù, giam hãm cùng bao nhiêu người yêu nước. Sau Hiệp định Giơnevơ 1954, Mỹ bắt đầu thay chân Pháp xâm lược miền Nam Việt Nam.

Từ đây, quân dân cả nước lại đứng lên tiếp tục cuộc kháng chiến trường kỳ để giành độc lập dân tộc - và Buôn Ma Thuột đã trở thành một trong những chiến trường khốc liệt, nhưng cũng rất đỗi anh dũng và hào hùng. Để rồi, với trận đánh chiến lược vào đêm mồng 9, rạng ngày 10/3, mở màn cho Đại thắng mùa xuân 1975, Buôn Ma Thuột đã ghi tên mình vào mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh của dân tộc.

Đến nay, trải qua 120 năm hình thành và phát triển, nhất là trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc cũng như trong công cuộc xây dựng, kiến thiết quê hương thời kỳ hội nhập - Buôn Ma Thuột nói riêng và Đắk Lắk nói chung bao giờ cũng được coi là vùng đất có tính chất “bản lề” cho mọi sự thay đổi và phát triển.

Tính chất ấy nói như cố Thượng tướng Hoàng Minh Thảo - nguyên Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên viết trong hồi ký “Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng” rằng: Vùng đất này được trao sứ mệnh bản lề không chỉ vì sự tính toán lợi ích trên mọi phương diện, mà thật sự Buôn Ma Thuột là một địa bàn đặc biệt, có tầm ảnh hưởng rộng khắp cả vùng Trung - Nam Bộ Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á.

TP. Buôn Ma Thuột đang khẳng định là vùng kinh tế động lực của Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Gia

Giờ đây, Buôn Ma Thuột đang được các bộ, ngành Trung ương và nhiều tỉnh thành trên cả nước không ngừng quan tâm, đầu tư để tiếp tục đóng vai trò “bản lề” mở ra giai đọan phát triển mới, trở thành vùng kinh tế động lực của vùng Tây Nguyên và cả nước. Trong hành trình quang vinh ấy, ký ức và tình cảm của mọi người dành cho vùng đất này là điều không thể thiếu - và điều đó được xem như sức mạnh tiềm tàng để giúp đô thị miền núi này phát triển xứng tầm với vị thế chiến lược của mình. 

  Đình Đối

Bài viết gốc:https://baodaklak.vn/chinh-tri/lich-su-truyen-thong/202403/dau-an-buon-ma-thuot-6301475/

Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

ĐẶT PHÒNG

KHÁCH SẠN BẠCH MÃ

NGÀY ĐẾN
NGÀY ĐI
LOẠI PHÒNG
SỐ LƯỢNG

Hỗ trợ

Lễ Tân

Dịch vụ

Thư viện ảnh