Đắk Lắk ban hành Chỉ thị về quản lý và sử dụng Voi nhà trong hoạt động kinh doanh du lịch, văn hóa trên địa bàn tỉnh

29/04/2017 17:27:38 GMT+7

Voi nhà (Voi thuần dưỡng) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk là loài Voi Châu Á có tên khoa học là Elephas maximus, là loài thú lớn thứ hai trên đất liền sau Voi Châu phi. Voi nhà ở Đắk Lắk là loại động vật quý hiếm (thuộc nhóm IB theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản quý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm). Voi có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong nhiều lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ, là nét văn hóa, tâm linh của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng.

Cùng với cây cà phê, voi đã tạo nên bản sắc riêng, độc đáo, ấn tượng đã thu hút một lượng lớn du khách đến với Đắk Lắk trong thời gian qua, góp phần trong việc tạo dựng nên hình ảnh, bản sắc văn hóa đặc thù trong lòng bạn bè và du khách. Để tiếp tục phát triển đàn voi nhà và duy trì, phát huy sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Đắk Lắk, ngày 30 tháng 3 năm 2017, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND về về quản lý và sử dụng Voi nhà trong hoạt động kinh doanh du lịch, văn hóa trên địa bàn tỉnh.                                      

Theo Chỉ thị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục cho các tổ chức cá nhân có liên quan đến việc khai thác, sử dụng và quản lý Voi; Hướng dẫn các đơn vị kinh doanh du lịch thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về tình hình hoạt động, sử dụng voi nhà trong hoạt động du lịch, văn hóa; Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện các chương trình phát triển du lịch, các lễ hội có sử dụng voi nhà một cách hiệu quả, bền vững nhất ; Theo dõi tình hình quản lý và khai thác sử dụng voi nhà tại các khu du lịch, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; kiểm tra phát hiện và xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời các hiện tượng và hành vi ngược đãi, xâm phạm đến việc quản lý và sử dụng voi nhà trong hoạt động kinh doanh du lịch, văn hóa trên địa bàn tỉnh,..

             Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tăng cường phối hợp với các ngành chức năng: kiểm tra, ngăn chặn kịp thời việc buôn bán, chuyển nhượng trái phép voi nhà ra ngoài địa bàn tỉnh; kiểm soát chặt chẽ trong việc cấp giấy phép vận chuyển voi nhà ra ngoài địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng, bảo tồn và phát triển voi nhà theo quy định của pháp luật hiện hành; thực hiện tốt công tác quy hoạch khu chăn thả voi nhà, quản lý, giữ gìn và tôn tạo cảnh quan môi trường sinh thái, đảm bảo nguồn thức ăn và nước uống tại các khu vực bảo tồn voi; nghiên cứu khả năng sinh sản cho voi nhà nhằm bảo tồn và phát triển đàn voi nhà; tư vấn chăm sóc sức khỏe, sinh sản và chữa bệnh cho voi; tổ chức tập huấn, giáo dục nâng cao ý thức, nhận thức bảo vệ voi; Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh và UBND các huyện có voi đảm bảo các quyền lợi cho các đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ về bảo tồn voi nhà theo quy định;...

Chăm sóc và điều trị bệnh cho voi (nguồn internet)

 

             Sở Khoa học và Công nghệ: Phối hợp với các Sở, ban, ngành, các đơn vị, các tổ chức, các nhà khoa học ưu tiên thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học để bảo tồn và phát triển nguồn gen đối với loài voi nhà tại Đắk Lắk.

             UBND các huyện có voi nhà có trách nhiệm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo tồn voi, vận động các tổ chức sử dụng voi nhà nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác bảo tồn và phát triển đàn voi nhà trên địa bàn, thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý và sử dụng voi; tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng, bảo tồn và phát triển đàn voi nhà tại địa phương;  Riêng UBND huyện Buôn Đôn và huyện Lắk có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị có liên quan trong việc tham mưu UBND tỉnh lập và phê duyệt quy hoạch và giao đất xây dựng khu chăn thả voi nhà trên địa bàn đảm bảo theo quy định;

             Bên cạnh đó, Chỉ thị cũng giao nhiệm vụ cho các đơn vị kinh doanh du lịch có sử dụng voi nhà phải xây dựng phương án sử dụng voi nhà trong hoạt động kinh doanh du lịch; Tăng cường phối hợp với các chủ voi, nài voi và các cơ quan chức năng có liên quan để kịp thời nắm bắt tâm sinh lý của voi nhà trong từng thời kỳ, điều chỉnh phương pháp nuôi dưỡng, đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu về thức ăn và nước uống cho Voi; Xây dựng nội quy và bảng hướng dẫn sử dụng voi phù hợp với đặc thù của khu, điểm du lịch và niêm yết tại lối ra vào và những nơi dễ quan sát trong khu, điểm du lịch; trang bị kiến thức cho các hướng dẫn viên để hướng dẫn cho khách du lịch trong việc sử dụng dịch vụ voi nhà và phổ biến cho cán bộ, nhân viên và nhân dân sống trong khu vực có voi nhà và khách du lịch biết để thực hiện; Tăng cường việc hướng dẫn, cảnh báo cho khách du lịch tuân thủ các nguyên tắc, quy định khi tiếp xúc với voi, để sử dụng dịch vụ voi nhà được an toàn; Thực hiện nghiêm túc các biện pháp đảm bảo an toàn, bảo vệ tính mạng của du khách, mua bảo hiểm đầy đủ cho khách du lịch khi sử dụng dịch vụ voi nhà. Trong trường hợp voi nhà xâm phạm đến tài sản và tính mạng của du khách phải có trách nhiệm bồi hoàn cho du khách; Phân bổ hợp lý thời gian hoạt động của voi, không được khai thác quá sức voi nhà, đảm bảo thời gian cho voi được nghỉ ngơi và được chăm sóc sức khỏe theo quy định;

             Các tổ chức, cá nhân đang nuôi dưỡng và sở hữu voi nhà có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị kinh doanh du lịch có khai thác kinh doanh các dịch vụ về voi nhà và các cơ quan chức năng có liên quan để kịp thời nắm bắt tâm sinh lý của voi nhà trong từng thời kỳ, điều chỉnh phương pháp nuôi dưỡng, đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng về thức ăn, nước uống và chế độ chăm sóc sức khỏe cho voi nhà theo quy định; Phối hợp với các cơ quan có liên quan, Trung tâm Bảo tồn Voi tỉnh thực hiện việc khám, chữa bệnh; theo dõi, đánh giá định kỳ về sức khỏe, y tế đối với voi, thường xuyên áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho voi, tạo điều kiện thuận lợi để voi nhà sinh sống trong môi trường tự nhiên nhằm duy trì, phát triển đàn voi.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, huyện Lắk và các tổ chức, cá nhân đang sở hữu, quản lý, khai thác, sử dụng voi nhà trong hoạt động kinh doanh du lịch, văn hóa trên địa bàn tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh đề nghị báo cáo kịp thời về UBND tỉnh thông qua Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xem xét và giải quyết./.

Phương Hiếu

 

Source : [Sưu tầm]http://vhttdldaklak.gov.vn

Nguồn: daktip.vn

ĐẶT PHÒNG

KHÁCH SẠN BẠCH MÃ

NGÀY ĐẾN
NGÀY ĐI
LOẠI PHÒNG
SỐ LƯỢNG

Hỗ trợ

Lễ Tân

Dịch vụ

Thư viện ảnh