Phố đi bộ không chỉ là… nơi đi bộ

30/08/2023 15:46:47 GMT+7

Xây dựng và phát triển phố đi bộ đang là xu hướng tất yếu, đáp ứng nhu cầu của người dân, tạo động lực để phát triển kinh tế đô thị, kinh tế đêm ở các địa phương. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, không phải nơi nào cũng thành công với mô hình này.

Vừa qua, UBND tỉnh đã có công văn thống nhất về việc thí điểm triển khai thực hiện phố đi bộ và dịch vụ xe đạp công cộng tại TP. Buôn Ma Thuột. Riêng phố đi bộ, tỉnh thống nhất phương án mà UBND TP. Buôn Ma Thuột đề xuất. Trong đó, địa điểm để triển khai khu vực phố đi bộ dự kiến sẽ bố trí trên toàn bộ lộ giới đường Phan Đình Giót (đoạn từ đường Lê Duẩn đến đường Lê Hồng Phong). Khi thông tin về chủ trương này được đưa ra, nhiều người tỏ ra háo hức, bởi Buôn Ma Thuột sẽ có thêm một điểm đến mới, nhưng cũng có không ít người băn khoăn dù nó chưa thành hình.

Đường Phan Đình Giót có lợi thế kết nối với nhiều điểm văn hóa nổi bật khác, trong đó có Di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại và Bảo tàng Đắk Lắk.

Trước hết là nhìn vào quy mô không gian. Phố đi bộ được nhiều người hiểu đơn giản là con phố hoàn toàn dành cho việc đi bộ cả ở lòng đường và vỉa hè, không có phương tiện cơ giới lưu thông. Nếu hiểu theo nghĩa này, địa điểm dự kiến triển khai khu vực phố đi bộ là toàn bộ lộ giới đường Phan Đình Giót có những lợi thế nhất định. Đường Phan Đình Giót hiện tại đang là phố bích họa tương đối đẹp và là một trong những điểm “check in” khá nổi bật của Buôn Ma Thuột. Đặc biệt, vị trí này thuận lợi để kết nối với hoa viên Đài tưởng niệm Bác Hồ với thiếu nhi Tây Nguyên và Di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại. Và từ đây cũng có thể đi đến trung tâm Ngã Sáu với khoảng cách khá gần.

Tuy nhiên, nếu nhìn theo hướng “phố đi bộ” là không gian của cộng đồng, là điểm đến thú vị với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí dành cho du khách và người dân... thì việc đặt phố đi bộ tại đường Phan Đình Giót và chỉ gói gọn trong phạm vi toàn bộ lộ giới tuyến đường này như dự kiến lại bộc lộ những hạn chế nhất định. Trước hết, điều dễ nhận thấy nhất là tuyến đường Phan Đình Giót khá ngắn để đáp ứng nhu cầu đến đây chỉ để “đi bộ”. Quan trọng hơn, hiện trạng đường Phan Đình Giót không có hạ tầng sinh hoạt, nói đúng hơn là không có nhà dân, hoạt động kinh doanh, sinh hoạt thường nhật của người dân ở hai bên đường. Đây là lợi thế khi dễ triển khai “cái mới” nhưng cũng là bất lợi, bởi muốn tuyến phố trở thành “điểm đến thú vị với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí dành cho du khách và người dân” thì đơn vị tổ chức sẽ phải “dựng” lên không gian này. Điều đáng nói là muốn trở thành điểm đến thú vị, thu hút du khách thì phải thật sự hấp dẫn và có bản sắc nhất định. Thế nhưng để có được bản sắc của một điểm đến, không thể “ngày một ngày hai” mà hình thành nên. Không nói đâu xa, sức hút yếu của Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột hiện nay một phần bắt nguồn từ sự hạn chế về mặt không gian là một dẫn chứng rõ nhất. Hay như trước đó, mô hình chợ đêm cũng đã được triển khai tại một số tuyến phố quanh khu vực chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột, nhưng mô hình này cũng tồn tại không lâu vì thực chất mô hình này hầu như chỉ tổ chức kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu như một cái “chợ” đúng nghĩa

Tại một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh có Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Hà Nội có Phố đi bộ Hồ Gươm, Quảng Nam có Phố đi bộ Hội An… đang thu hút một lượng lớn du khách và là điểm đến, sản phẩm du lịch thu hút khách của các địa phương này. Bên cạnh việc được đầu tư quy củ, nhiều điểm mới lạ, điểm chung cho sự thành công của những phố đi bộ này là nhờ hội tụ đầy đủ các yếu tố: có chủ đề nhất định (tạo sự khác biệt, nét đặc trưng riêng); tạo ra các dịch vụ thương mại hấp dẫn (đáp ứng được nhu cầu mua sắm, ăn uống của người dân, du khách); đa dạng hình thức giải trí (đáp ứng được nhu cầu dạo chơi thư giãn kết hợp với các nhu cầu văn hóa khác của du khách); cộng đồng quanh phố đi bộ cùng tham gia (gắn trách nhiệm với cơ hội hưởng thụ lợi ích vật chất, tinh thần cho cộng đồng).

Có thể thấy, việc có ý tưởng, quy hoạch cụ thể về phố đi bộ là điều đáng mừng cho Buôn Ma Thuột, nhất là trong bối cảnh sản phẩm du lịch của địa phương đang tương đối “nghèo”. Tuy nhiên, cần phải làm thế nào để phố đi bộ này thực sự trở thành không gian văn hóa của người dân, tạo nét khác biệt so với các tuyến phố khác và cả với những “phố đi bộ” của địa phương khác, thu hút người dân, du khách mà không phải là trào lưu? Thiết nghĩ địa phương cần nghiên cứu kỹ không gian và hình thức triển khai tuyến phố này. Nên chăng, với “hạt nhân” vẫn là đường Phan Đinh Giót vốn có thế mạnh riêng như đã nói ở trên, vào những thời điểm nhất định (và thời gian cố định định kỳ) cần mở rộng không gian thành khu vực có nhiều phố đi bộ nối liền và liên kết với nhau về chức năng. Nếu được như vậy, phố đi bộ sẽ có điều kiện mở rộng không gian văn hóa - kinh tế để tạo sức hút và đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng người dân và du khách. Quan trọng hơn, khi không gian ấy được mở rộng sẽ mang lại lợi ích nhiều mặt cho cộng đồng khu vực này, từ đó “kéo” được họ tham gia một cách tự nguyện và có trách nhiệm với phố đi bộ.

Giang Nam

Bài viết gốc: https://baodaklak.vn/xa-hoi/202308/pho-di-bo-khong-chi-la-noi-di-bo-8f60910/

Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

ĐẶT PHÒNG

KHÁCH SẠN BẠCH MÃ

NGÀY ĐẾN
NGÀY ĐI
LOẠI PHÒNG
SỐ LƯỢNG

Hỗ trợ

Lễ Tân

Dịch vụ

Thư viện ảnh