Tây Nguyên qua những tư liệu khảo cứu xưa

29/12/2023 16:18:09 GMT+7

Nằm ở phía tây nam của khu vực miền Nam Trung bộ, Tây Nguyên là dải đất có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, văn hóa, quân sự… của cả nước, được xem là “mái nhà của Đông Dương”.
Nơi đây là nơi quần cư, hội tụ của gần 50 dân tộc thiểu số với nền văn hóa hết sức độc đáo.

Các dân tộc ở Tây Nguyên sở hữu một nền văn hóa đa dạng và phong phú, với các loại hình nghệ thuật có sự cải tiến qua thời gian hết sức sinh động. Từ những lý do về địa lý, thổ nhưỡng và văn hóa đa dạng nên Tây Nguyên là địa chỉ được rất nhiều nhà khoa học, văn hóa quan tâm đặc biệt và cũng từ đó để lại cho Tây Nguyên một kho tàng khảo cứu đa dạng và phong phú trên nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là văn hóa tộc người.

Lần theo lịch sử dân tộc thì khi có mặt trên vùng đất Tây Nguyên, người Pháp đã có các khảo cứu về xây dựng một ngôn ngữ gồm chữ viết riêng cho dân tộc bản địa nơi này. Năm 1879, người Pháp đã xây dựng 4 bộ chữ La-tinh cho các dân tộc Tây Nguyên, sớm nhất là bộ chữ Bana chính thức ra đời năm 1881. Vào đầu thế kỷ 20 thì có bộ chữ Êđê, J’rai, còn chữ Kơ Ho ra đời muộn hơn cả. Bốn bộ chữ này đến nay vẫn còn những giá trị nhất định.

Những tư liệu quý khảo cứu về vùng đất Tây Nguyên xưa.

Năm 1893, bác sĩ Alxandre Yesin khám phá ra cao nguyên Lâm Viên (Langbiang) nhưng trước đó những ghi chép khảo sát của ông thực sự là một kho tàng về khí hậu, thổ nhưỡng, cây trồng của vùng đất này. Chính ông cũng đề xuất cho Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Doumer xây dựng nơi nghỉ dưỡng của người Pháp tại vùng đất này cũng như trồng các giống cây trồng phù hợp với vùng đất Tây Nguyên.

Cả người Pháp khi xâm lược cũng như các tác giả Việt Nam luôn dành ưu ái đặc biệt cho các tư liệu về văn hóa Tây Nguyên. Điển hình như cuốn “Rừng người Thượng” của Henri Maitre - Viện Viễn đông bác cổ Pháp (Hà Nội), hay cuốn “Đỉnh cao đế quốc” của tác giả Erict Jennings do Nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành viết về cao nguyên Langbiang. Những khảo cứu này là một bức tranh văn hóa sống động về miền đất cao nguyên. Về tộc người M’nông thì bản tiếng Pháp “Les Mnong des Hauts Plateaux” là một kho tư liệu quý giá mô tả cộng đồng người M’nông vào thời kỳ đầu của thế kỷ trước, từ kiến trúc, ăn, mặc, sinh hoạt, văn hóa…; là một cuộc khảo cứu mang tầm quốc tế về tộc người bản địa trên vùng đất cao nguyên.

Song song với các tư liệu của các nhà khảo cứu nước ngoài về vùng đất và con người Tây Nguyên, các tác giả như Toan Ánh, Nguyễn Đổng Chi, Bùi Đình... cũng như các tác giả trẻ sau này cũng tham gia tích cực để bổ sung những giá trị về tinh thần, văn hóa của vùng đất này.

Khi nói về Tây Nguyên, cuốn “Cao nguyên miền Thượng” của Toan Ánh xuất bản năm 1974 là một khảo cứu giá trị nhất giúp chúng ta có cái nhìn rõ nét nhất và tổng quan về vùng đất “miền Thượng”. Hay cuốn “Người Ba Na ở Kon Tum” của các tác giả Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi là một công trình giúp ta hiểu hơn về vùng đất Bắc Tây Nguyên.

Những tập sách nhỏ dạng như hồi ký của các vị linh mục khi hành đạo ở cao nguyên cũng giúp mọi người hiểu rõ về cuộc sống thời kỳ đầu của thế kỷ trước như thế nào. Điển hình như cuốn “Lạc quan trên miền Thượng” của linh mục Phùng Thanh Quang kể về đời sống, văn hóa của các dân tộc thiểu số được xem là rõ ràng và trực quan nhất.

Nhà rông - hình ảnh đặc trưng của Tây Nguyên trong các tư liệu xưa.

Nói về cao nguyên Đắk Lắk, tập sách “Phong Quang tỉnh Darlac” cũng là một bức tranh sinh động dù nó là tập khảo cứu mỏng 174 trang. Hay cuốn “Tìm hiểu đồng bào miền núi Việt Nam” của tác giả Bùi Đình xuất bản năm 1950 cũng góp phần gia tăng giá trị tư liệu về vùng cao nguyên.

Bên cạnh những tập sách khảo cứu thì không thể không nhắc đến những bộ ảnh độc đáo khi muốn tìm hiểu vùng đất con người nơi này. Bộ sách ảnh “Cao nguyên Việt Nam quê hương yêu dấu” của Cao Đàm - Cao Lĩnh là một kho tư liệu ảnh quý hiếm mà các nhà văn hóa khảo cứu muốn tìm lại. Song song với tập ảnh trên thì bộ sách ảnh “Xứ Jorai” của Jacques Dournes cũng mang tầm giá trị quốc tế.

Có thể nói, có rất nhiều tư liệu văn hóa đã góp phần vào các mối liên hệ xã hội của vùng đất Tây Nguyên thời xưa. Hiện nay, các tập sách về Tây Nguyên ngày một đa dạng và có chiều hướng chuyên sâu từng lĩnh vực một, ví dụ như tượng nhà mồ, kiến trúc, thổ cẩm, nhạc khí, cách ăn, mặc… để chúng ta dễ dàng tiếp cận theo từng cách riêng. Các tư liệu xưa dù chưa thực sự đầy đủ nhưng có thể được xem là nền tảng cho việc khảo cứu tìm hiểu về miền đất cao nguyên độc đáo này.

Tường Mạnh

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202312/tay-nguyen-qua-nhung-tu-lieu-khao-cuu-xua-c97189e/

Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

ĐẶT PHÒNG

KHÁCH SẠN BẠCH MÃ

NGÀY ĐẾN
NGÀY ĐI
LOẠI PHÒNG
SỐ LƯỢNG

Hỗ trợ

Lễ Tân

Dịch vụ

Thư viện ảnh