Voi trong đời sống người Tây Nguyên

19/06/2018 15:51:41 GMT+7

Không biết từ bao giờ, gia đình nào ở Tây Nguyên sở hữu voi nhà hiển nhiên là niềm vinh dự, tăng cao địa vị của chủ voi trong buôn làng… Trong những chuyến rong ruổi vào các thôn bản tại tỉnh Đắk Lắk những ngày tháng 4 nắng bỏng cháy, chúng tôi còn được nghe nhiều câu chuyện về loài vật thú vị này…

Nài voi Y Vinh đang cưỡi voi đực Y Khăm Sen.
 

Truyền thuyết về voi ham ăn

Nhiều lần chúng tôi trở lại huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) để tìm hiểu về đàn voi nhà nhưng cái cảm giác ban đầu về một vùng hồ Lắk mênh mông, lộng gió vẫn nguyên vẹn ban đầu. Hồ Lắk – khu du lịch nổi tiếng ở tỉnh Đắk Lắk, không quá ồn ào, đưa đẩy kẻ mua, người bán những thứ đồ lưu niệm pha tạp như một số điểm du lịch tại tỉnh Đắk Lắk mà nơi đây còn giữ nguyên vẹn vẻ hoang sơ với những mái nhà sàn truyền thống ngàn đời của người Ê Đê. Nài voi Y Vinh E Ung (32 tuổi, trú thị trấn Liêng Sơn, huyện Lắk) mở đầu câu chuyện: Về hồ Lắk, du khách phải sống chậm để cảm nhận cái hào sảng của người Tây Nguyên; chậm rãi cảm nhận vị cay nồng, phảng phất men say bên ché rượu cần… Và quan trọng hơn cả, đến hồ Lắk du khách sẽ hiểu hơn về cuộc sống khăng khít giữa dân làng và đàn voi nhà…

Anh Y Vinh là hậu duệ thứ 4 trong một gia đình có truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Đến đời Y Vinh, nghề săn bắt voi đã không còn thịnh nhưng những chuyện hào hùng của cha ông một thời ngang dọc khắp các cánh rừng Tây Nguyên vẫn in sâu trong trí nhớ anh qua lời kể người đi trước. Ngày chúng tôi đến, Y Vinh cùng một số nài voi ngồi chăm chú theo dõi đàn voi nhà trong đó có chú voi đực Y Khăm Sen (26 tuổi) ăn ngon lành bó mía, nải chuối từ một số du khách tốt bụng. Buổi trưa thường được xem là quãng thời gian không dẫn khách nên voi được nghỉ ngơi lấy lại sức. Thời điểm này nài voi sẽ bổ sung thức ăn, tăng cường giao tiếp với voi nhà. Tôi quan sát thấy chú voi Y Khăm Sen vừa lúc chở khách về bụng réo ùng ục nên háo ăn, hấp tấp đưa thân hình đồ sộ áp gần du khách… Ấy thế mà chỉ một tiếng gằn giọng của chủ, voi ta lùi lũi giữ khoảng cách ngay!

Ngồi trò chuyện về voi, Y Vinh kể lại câu chuyện truyền thuyết về tính ham ăn của loài voi. Truyền thuyết của Mnông và Ê Đê kể lại, tương truyền trên Núi Mẹ Nâm Kar (nghĩa là Núi Cá, tại tỉnh Đắk Nông – PV) có một hồ nước rộng mênh mông với vô số sản vật. Biết được tin này, người dân trong vùng tìm để câu cá mà không biết rằng đây là cá thần nuôi. Khi ăn xong cá nướng, người đó liền phát triển nhanh và dần biến dạng; đôi tai rất lớn, mũi dài, bụng phình to. Mọi người trong làng sau đó gọi người là voi.

Vì là người biến thành nên voi ta ăn rất khỏe, dân làng không đủ cơm để nuôi. Các già làng, thầy cúng bèn nấu cơm nếp, bắp, đậu… trộn lại dán lên cây trúc lá nhỏ để nhử voi đến ăn. Khi voi ăn, già làng và thầy cúng đọc thần chú để voi nhớ rằng đó là thức ăn của mình… Truyền thuyết mà Y Vinh hay nhiều người già ở huyện Lắk kể cho chúng tôi dù có những dị bản khác nhau nhưng tựu trung, qua truyền thuyết về núi lửa Nâm Kar, người xưa muốn giải thích về tính cách hiền lành nhưng ham ăn của loài voi và qua đó, muốn nhắc nhở con cháu không được xâm hại đến tài nguyên thiên nhiên khi chưa được phép.

Người trẻ yêu voi

Suốt nhiều năm, đàn voi nhà Tây Nguyên suy giảm nghiêm trọng khiến những dư luận đặt câu hỏi cần ráo riết xây dựng chương trình bảo tồn voi bài bản. Từ thực tế trên, Trung tâm bảo tồn voi được tỉnh Đắk Lắk thành lập với nhiệm vụ cứu hộ, thăm khám, chữa bệnh voi nhà và bảo tồn voi… Trong thời gian ngắn, trung tâm bảo tồn voi phát huy được hiệu quả và đạt được những thành công nhất định. Một trong những đóng góp có thể kể ra là sự gắn bó của các nài voi nhí hay những chàng trai có tuổi đời rất trẻ trong công tác chăm sóc, bảo tồn đàn voi nhà. Ở trung tâm bảo tồn, tôi còn nhớ chàng trai Vạc – tên thật Xi Xa Wát (22 tuổi), một nài voi nhỏ tuổi ở Buôn Đôn, từ nhỏ theo cha ngang dọc những cánh rừng để thuần dưỡng, sống gần với voi nhà. Trưởng thành, Vạc được cha tin tưởng và giao chăm sóc chú voi tên Thông Khăm. Khi công tác bảo tồn voi tỉnh nhà được đặt ra, gia đình Vạc tình nguyện đưa voi Thông Khăm vào trung tâm bảo tồn để chăm sóc. Có lẽ vì nhớ nài, voi Thông Khăm bướng bỉnh, cộc cằn nên Vạc nộp đơn xin vào trung tâm để chăm sóc riêng voi Thông Khăm.

Tại Trung tâm bảo tồn, tôi còn được gặp anh Phan Phú – Tổ trưởng tổ chăm sóc, cứu hộ voi. Anh Phú quê gốc Quảng Nam. Học đại học một ngành không liên quan nhưng vẫn gắn bó với nghiệp chăm sóc, yêu thương voi nhà. Công việc của anh Phan Phú cùng những nhân viên trẻ tuổi nơi đây là chuẩn bị thức ăn, theo dõi sức khỏe, huấn luyện voi…

Anh Phú kể, khác với việc huấn luyện voi bằng roi vọt nhưng truyền thống, các nhân viên tại trung tâm huấn luyện voi theo hướng tích cực. Theo đó, Voi được chăm sóc, huấn luyện theo hiệu lệnh. Theo thời gian, những động tác, cử chỉ của voi sẽ thành thạo theo hiệu lệnh của người chăm sóc. Tôi thắc mắc những thùng phuy, bánh xe, vòi nước được đan xen trong khu vực thả voi có vai trò gì, anh Phú cho biết, đó là đồ làm “giàu” cho voi. “Đồ làm “giàu” một thuật ngữ chỉ những đồ vật xung quanh được con người tạo ra nhằm giúp voi kích thích suy nghĩ. Hằng ngày, voi con liên tục suy nghĩ, hoạt động sẽ giúp khả năng sống sót cao” – anh Phú nói.

Cái thời người Tây Nguyên tự hào về những chuyến săn bắt voi rừng giờ đã lùi xa theo sự phát triển của xã hội. Voi rừng giờ đây đã không còn bị bắt hay thuần dưỡng mà được chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đưa ra các giải pháp bảo vệ đàn voi trước sự tác động của con người và tình trạng mất rừng tự nhiên… Riêng đối với đàn voi nhà tập trung tại Đắk Lắk, chúng tôi tin sự duy trì và phát triển đàn voi nhà sẽ được tiếp tục thực hiện bởi những thế hệ những người trẻ đã và đang sinh ra, lớn lên ở mảnh đất đại ngàn.

HỮU LONG

Nguồn : Lao Động

 

Nguồn: daktip.vn

ĐẶT PHÒNG

KHÁCH SẠN BẠCH MÃ

NGÀY ĐẾN
NGÀY ĐI
LOẠI PHÒNG
SỐ LƯỢNG

Hỗ trợ

Lễ Tân

Dịch vụ

Thư viện ảnh