Bài toán nan giải về hướng dẫn viên du lịch

10/05/2024 15:56:21 GMT+7

Du lịch phục hồi mạnh mẽ sau dịch COVID-19 nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu hướng dẫn viên, nhất là hướng dẫn viên tiếng nước ngoài

Theo Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đón hơn 6,19 triệu lượt khách quốc tế, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ riêng 5 ngày dịp lễ 30-4 vừa qua, ngành du lịch phục vụ khoảng 8 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 3,6 triệu lượt khách lưu trú. Du lịch phục hồi mạnh mẽ nhưng nguồn nhân lực lại thiếu trầm trọng.

Nhiều nhưng vẫn thiếu

Tại TP HCM, thống kê của Sở Du lịch cho thấy tổng số hướng dẫn viên (HDV) du lịch được cấp thẻ là hơn 8.031 người, bao gồm 4.856 HDV quốc tế, 3.099 HDV nội địa, 76 HDV du lịch tại điểm.

Số HDV nhiều nhưng các doanh nghiệp (DN) cho hay vẫn thiếu. Ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty Kiwi Travel, cho biết sau dịch COVID-19, làn sóng dịch chuyển nhân sự, nhất là đội ngũ HDV có tay nghề, có kinh nghiệm và chất lượng, xảy ra và đến giờ ngành vẫn thiếu. Để đào tạo được 1 HDV chất lượng cũng khoảng 2 năm, trong khi nếu dùng cộng tác viên là những HDV bên ngoài thì chi phí phải trả cao hơn nhiều so với nhân sự chính thức.

"Công ty tôi đang có hơn chục sinh viên từ các trường tới thực tập nhưng chủ yếu trong các ngành quản trị, kinh doanh, nhà hàng khách sạn… chứ sinh viên thực tập chuyên ngành HDV gần như không có. Trong khi đó, vai trò của HDV rất quan trọng đối với thành công của tour. Bởi lẽ, nếu là tour nội địa thì HDV sẽ phải đáp ứng nhu cầu trên đường của khách, cung cấp thông tin về hành trình, điểm đến. Với khách quốc tế, HDV sẽ là "đại sứ" giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Khách có quay lại hay không phụ thuộc không nhỏ vào đội ngũ HDV trên đường tour" - ông Phạm Quý Huy nhận xét.

Đội ngũ HDV trong ngành du lịch đang thiếu nhiều, nhất là những thị trường khách tăng trưởng nhanh như Trung Quốc, Ấn Độ. Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt, cho biết HDV tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha hiện thiếu trầm trọng dù đây là những thị trường truyền thống và ổn định của ngành du lịch. Nếu có thì chi phí đối với HDV các thị trường này cũng yêu cầu rất cao. Đơn cử, chi phí cho một HDV tiếng Anh chất lượng tốt trung bình khoảng 1 triệu đồng/ngày, trong khi HDV tiếng Đức yêu cầu từ 1,5 triệu đồng, thậm chí cá biệt một số tour lên tới 2,5 triệu đồng/ngày.

"Mức này là quá cao, DN lữ hành sẽ khó chi trả vì lợi nhuận của ngành không cao. Chưa kể, do đặc thù của du lịch nên những người nói tiếng Đức, Tây Ban Nha, Pháp… không chỉ yêu cầu phải thành thạo mà phải có kinh nghiệm hướng dẫn, phục vụ khách quốc tế. Đây là bài toán không dễ khi nguồn nhân lực này ngày càng thiếu mà đào tạo không đơn giản. Trong khi đó, khách Tây Ban Nha có đặc thù là thường đi du lịch "trái mùa" cao điểm khách quốc tế (từ tháng 5 đến tháng 7) sẽ bù đắp lượng khách cho các điểm đến" - ông Phan Xuân Anh phân tích.

Hướng dẫn viên thuyết minh cho du khách tại tỉnh Điện Biên. Ảnh: LAM GIANG

Đầu tư cho đào tạo, giữ chân hướng dẫn viên

Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM, cho biết tập trung đào tạo nguồn nhân lực mới, nhất là đội ngũ HDV, là giải pháp quan trọng của ngành du lịch. Tại đại hội Chi hội HDV du lịch TP HCM (thuộc Hiệp hội Du lịch TP) nhiệm kỳ 3 (2024-2026) vừa diễn ra, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ban chấp hành mới là tìm kiếm những giải pháp nâng chất đội ngũ HDV trên địa bàn.

Ông Nguyễn Bảo Toàn - Phó Chủ tịch Chi hội HDV du lịch TP HCM, Giám đốc Trung tâm Điều hành HDV Việt Nam (thuộc Công ty Du lịch Vietravel) - cho hay khách Ấn Độ tới Việt Nam đang tăng nhanh thời gian qua. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, trong 4 tháng đầu năm nay, khách Ấn Độ tới Việt Nam hơn 158.000 lượt, tăng 141% so với cùng kỳ năm trước.

"HDV đón khách Ấn Độ sẽ nói tiếng Anh. Đặc thù của dòng khách này là thường tổ chức sự kiện, tổ chức đám cưới ở vùng biển Việt Nam… nên cũng cần đội ngũ HDV hiểu được nhu cầu của họ. Thời gian tới, Chi hội HDV du lịch TP HCM sẽ tăng cường đào tạo, thông tin về xu hướng phát triển du lịch, đặc thù các thị trường khách để góp phần nâng chất đội ngũ nguồn nhân lực này" - ông Bảo Toàn nhấn mạnh

Sở Du lịch TP HCM cho biết đã triển khai kế hoạch tổ chức các khóa cập nhật kiến thức dành cho HDV du lịch năm 2024, trong đó đợt 1 có khoảng 300 HDV tham gia.

Sở Du lịch cũng phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Sàn Giao dịch việc làm ngành du lịch TP HCM năm 2024 với hơn 1.200 người lao động tham gia, trong đó có sinh viên các cơ sở đào tạo du lịch trên địa bàn. Đây không chỉ là cơ hội để người lao động tự do có cơ hội tìm việc mà còn là nơi DN kinh doanh dịch vụ du lịch và cơ sở đào tạo du lịch gắn kết, hỗ trợ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

ĐẶT PHÒNG

KHÁCH SẠN BẠCH MÃ

NGÀY ĐẾN
NGÀY ĐI
LOẠI PHÒNG
SỐ LƯỢNG

Hỗ trợ

Lễ Tân

Dịch vụ

Thư viện ảnh