Quả cau nhỏ, bài thuốc hay

10/04/2015 15:46:26 GMT+7

Cau hay tân lang, binh lang, mạy làng, pơ lạng có tên khoa học là Areca catechu L., thuộc họ cau (Arecaceae). Cây cau được trồng phổ biến ở nước ta, thường gặp là cau nhà còn gọi là gia tân lang, cau tứ thời ra quả sớm và quanh năm, cau rừng hay sơn tân lang, cây bé, hạt nhỏ, nhọn và chắc hơn, thường gặp nhiều ở vùng Thanh Hóa, Nghệ An. Hiện nay, người ta sử dụng cả hai loại cau rừng và cau nhà.

 

Nhiều nguồn gốc khác nhau

Theo một số giả thuyết, người ta trồng trọt và canh tác quả cau vào niên đại trước Kitô giáo và eo biển Malacca giữa Mã Lai và đảo Sumatra, trước năm 1593. Trong cuốn sách “Nguồn gốc của những cây trồng” của nhà thực vật học nổi tiếng người Thụy Sĩ De Candolle cho rằng cau có thể bắt nguồn từ quần đảo Sunda của Indonesia. Ngày nay, người ta tin rằng nó đến từ miền Nam châu Á, Indonesia và Philippines. Một thổ dân đã mang quả cau vào quần đảo Solomons của Tân Ghine và miền Tây Micronesia thuộc châu đại dương, và gần đây nhất là đảo Fiji, Samoa cùng nhiều đảo khác.

Tại quần đảo Maldives, nhai hạt cau là thói quen phổ biến. Người ta thích nhai những miếng cau khô mỏng và đôi khi được nướng trên than hồng. Ở Palau, đảo quốc ở Thái Bình Dương, người ta nhai hạt cau với trái cây họ cam quýt, lá trầu và ngày nay có thêm lá của cây thuốc lá rồi nhổ bỏ nước. Nhà ngoại giao người Mỹ Edmund Roberts cho biết người Trung Quốc từng có thói quen kết hợp hạt cau với một loại thực vật khi ông đến đây vào những năm 1830.

Cau chữa bệnh

Viêm ruột, cầm máu: Ðể chữa khó tiêu, đầy bụng, dùng 10g hạt cau, 10g sơn trà sắc lấy nước uống 2 lần/ngày. Với khoảng 0,5 - 4g hạt cau sắc uống tình trạng kiết lỵ, viêm ruột sẽ cải thiện.

Sốt rét, xổ giun sán: Hạt cau khô cắt nhỏ, sắc với 2 chén rượu trắng đến khi còn 1 chén, uống hết trong ngày. Chất tannin và alcaloid của hạt cau làm tê liệt nhiều loại giun sán, dễ bị đẩy ra ngoài khi đại tiện. Thường kết hợp với việc ăn khoảng 100g hạt bí đỏ vào buổi sáng, lúc bụng đói để tăng hiệu quả tẩy giun.

Với bệnh sốt rét, cần kết hợp với vị thuốc thường sơn. Lấy khoảng 2g hạt cau, 6g thường sơn, 4g cát căn, 1g thảo quả sắc chung với 600ml nước đến khi còn 200ml, uống hết trong ngày.

 

Chốc lở đầu cho trẻ nhỏ: Hạt cau mài thành bột, phơi khô, hòa với dầu thoa vào chỗ chốc lở đầu.

Chữa chứng đầy bụng, khó tiêu ở người già: Hạt cau khô tán mịn. Nấu nước vỏ quả cau uống chung với bột hạt cau tán mịn, mỗi lần uống 8g.

Vết loét trắng trong miệng: Ðốt hạt cau thành than, nghiền mịn, thoa vào chỗ loét.

Phụ nữ sau sinh bí tiểu: Lấy hạt cau già, hạt vông vang, hoạt thạch, hoa đào, mỗi lượng bằng nhau. Nghiền thành bột, mỗi lần uống 8g hỗn hợp trên, pha với rượu.

Trướng bụng, đại tiểu tiện khó: 30g vỏ cau, 30g hạt cau, 15g mộc hương, 60g mộc thông, 30g hạt mận, 60g vỏ cây dâu tằm, 60g hạt bìm bìm. Tất cả tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng lấy 12g bột với 3 lát gừng tươi, 2 củ hành tươi, sắc kỹ với nước, lọc bỏ bã, uống khi còn ấm. Uống liên tục đến khi thông đại tiểu tiện.

Phù thũng, trướng bụng, khó thở, tiểu ít, ốm nghén nôn mửa: Vỏ cau, vỏ rễ dâu, vỏ quýt, vỏ gừng mỗi thứ 12g, sắc với 300ml nước, lấy 200ml, chia hai lần uống trong ngày.

Ðể trị ho, đau tức ngực, chướng khí ở bụng, tê đau các khớp: Lấy 0,5g hoa cau hầm với thịt heo để ăn.

Cường dương, tăng sinh lực: Lấy 40 - 60g rễ trắng của cây cau, sao vàng rồi sắc uống.

Rượu cau là bài thuốc lưu truyền trong dân gian cực kỳ hiệu quả trong việc sử dụng để chữa các bệnh về răng và lợi. Rượu có nồng độ cồn cao, có tính sát khuẩn. Khi kết hợp với quả cau sẽ làm gia tăng tính diệt khuẩn, đặc biệt tốt trong việc trị sâu răng, làm răng chắc khỏe. Bột hạt cau có thể dùng làm thuốc cầm máu.

 

LƯU Ý

- Thai phụ, người có khí hư không được dùng hạt cau để trị bệnh. Hạt cau có tác dụng xổ mạnh, vì thế tránh dùng quá liều.

- Hai phần của quả cau được dùng chữa bệnh nhiều nhất là hạt và vỏ cau. Trong hạt cau có chất tannin (70% trong hạt non, 15 – 20% trong hạt già), chất béo 14%, chất đường 2% và các hợp chất hóa học khác. Hạt cau có tính tiệt trùng, hành khí, lợi niệu nên có mặt trong khá nhiều bài thuốc Đông y. Được biết đến nhiều nhất có lẽ là các bài thuốc trị giun sán và tiêu hóa. Hoa cau có vị hơi ngọt, tính mát, có tác dụng bổ gan, tim, dạ dày, trị ho, thanh nhiệt, thông khí… Trong hoa cau còn có vitamin A, C và nhiều chất xơ. Phần vỏ ngoài của quả cau bỏ hạt đã phơi hay sấy khô gọi là đại phúc bì. Nó có tác dụng điều khí, thông đại tiểu tiện, điều hòa chức năng tiêu hóa…

 

 

Trường Thi

nguồn: langvietonline.vn

ĐẶT PHÒNG

KHÁCH SẠN BẠCH MÃ

NGÀY ĐẾN
NGÀY ĐI
LOẠI PHÒNG
SỐ LƯỢNG

Hỗ trợ

Lễ Tân

Dịch vụ

Thư viện ảnh